: TVO 24H: 2022-01-11 10:12:30

Lượt xem: 2416

'Nay mở, mai đóng': Hàng quán khổ sở

“Chỉ cách một con phố, trong khi phía đối diện được mở cửa bán tại chỗ thì nhà tôi vẫn phải bán mang về. Nhìn thấy mà chạnh lòng vì cửa hàng nào cũng khó khăn. Nếu mở thì nên mở hết”, chị H., một chủ quán cà phê trên phố Bà Triệu (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ.

Chị H. lâm vào tình cảnh này, bởi quán chị nằm trong địa giới 1 trong 9 phường thuộc quận Hai Bà Trưng vẫn được đánh giá là ở cấp độ 3 về dịch COVID-19. Hôm nghe được thông tin toàn quận được đánh giá ở cấp độ 2, chị khấp khởi mừng thầm bởi sắp được bán hàng bình thường trở lại sau vài tuần chỉ bán hàng mang về.

“Quán mình bán cà phê, đồ uống, bán mang về thì coi như là không bán bởi khách hàng chẳng mấy ai mua mang về cả”, chị H. nói.

Theo chị H., hai năm qua, cửa hàng của chị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19, thời gian đóng cửa nhiều, cứ vừa buôn bán được thời gian thì lại đóng cửa hoặc phải chuyển sang bán mang về.

“Mỗi tháng chúng tôi phải mất vài chục triệu đồng tiền thuê mặt bằng, chưa nói chi phí thuê nhân công. Cứ thế này thì càng ngày càng khó khăn”, chị H. than thở. Chị H. cho rằng, nên mở cửa hàng quán bình thường trở lại khi đã tiêm đủ mũi vắc xin, vì đang thực hiện việc thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh.

Chung cảnh ngộ, anh D., chủ một quán ăn trên địa bàn quận Cầu Giấy cho biết, quán của anh cũng vừa phải đóng cửa vì quận Cầu Giấy nâng cấp độ dịch lên cấp 3. “Quán vừa mở lại được một thời gian, giờ lại phải chuyển sang bán mang về. Cứ thế này có lẽ chúng tôi nghỉ qua Tết luôn vì cũng chẳng mấy ngày nữa là đến Tết rồi. Mà cũng chưa biết lúc nào quận trở lại cấp 2”, anh D. cho biết.

Phố xá Hà Nội hiu quạnh vì COVID-19 Ảnh: Trọng Tài

Khi quận Hoàn Kiếm chuyển từ cấp độ 2 sang cấp độ 3 dịch COVID-19, hàng quán trên địa bàn quận phải chuyển trạng thái sang bán hàng mang về. Lực lượng chức năng của quận chia sẻ, các hộ kinh doanh, buôn bán đa phần chấp hành, chuyển trạng thái nhanh vì thích ứng với điều này đã lâu.

Tuy nhiên, cũng có những lời “than thở” bởi khó khăn chồng chất khi phải bán hàng mang về. Mới đây, dù quận Hoàn Kiếm tiếp tục được đánh giá dịch ở cấp độ 3, quận đã có văn bản cho phép cửa hàng ăn uống ở 5 phường thuộc cấp độ 2 trên địa bàn quận bán hàng tại chỗ, hoạt động không quá 50% công suất, trừ các quán rượu, bia, bia hơi.

Một lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, văn bản của quận bám sát tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 128, nhằm tạo điều kiện tối đa cho người dân kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn phát triển kinh tế nhưng vẫn đảm bảo quy định phòng, chống dịch.

“Quyết định điều chỉnh riêng 5 phường này được quận kỳ vọng sẽ tạo sự thi đua giữa các phường với nhau. Từ đó, người dân cùng các tổ chức sẽ nâng cao ý thức hơn, phấn đấu hạ cấp độ dịch để sớm được kinh doanh, buôn bán trở lại”, vị này nói.

Cần thay đổi

Cùng với quận Hoàn Kiếm, trong động thái mới nhất, một số quận trung tâm Hà Nội như Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đống Đa… đã có các văn bản điều chỉnh các hoạt động không thiết yếu trên địa bàn tuỳ theo cấp độ dịch, nhằm tạo điều kiện cho hoạt động phát triển kinh tế, xã hội. Đây là tín hiệu đáng mừng, theo đánh giá của một số chuyên gia về y tế.

Trong khi đó, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho rằng, việc dừng hàng ăn uống tại chỗ tại các địa phương ở cấp 3 về dịch COVID-19 góp phần đáng kể vào việc hạn chế lây lan dịch bệnh.

“Dù người dân có thể di chuyển từ khu vực này sang khu vực khác để ăn uống, nhưng khi dừng hoạt động ăn uống tại chỗ, tập trung đông người ở địa bàn cấp độ 3 về dịch COVID-19 thì vẫn hạn chế được sự lây lan, giảm tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng”, vị này nói.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, Hà Nội và các địa phương khác nên mạnh dạn học tập TPHCM trong việc mở lại một số hoạt động ăn uống tại chỗ, thậm chí một số loại hình dịch vụ khác như karaoke, quán bia, rượu…

Theo vị chuyên gia này, dù mở cửa trở lại, nhưng số liệu công bố cho thấy, số ca mắc mới ở TPHCM đang giảm đi, rất có ý nghĩa trong phát triển kinh tế, xã hội, tạo tâm lý ổn định hơn cho người dân không quá sợ hãi với COVID-19.

Theo ông Nga, khi mở lại một số hoạt động, cần chú ý đến các trường hợp cao tuổi, người mắc bệnh nền, trẻ em; tập trung điều trị cho các trường hợp nhiễm nặng. Còn người trẻ, thậm chí mắc COVID-19 cũng chủ yếu là triệu chứng nhẹ, không quá nguy hiểm vì đã được bảo vệ bởi vắc xin.

Theo Trường Phong (Tiền Phong)

Bình luận