: TVO 24H: 2022-04-19 09:43:58

Lượt xem: 2447

Hai chàng trai đất Quảng khởi nghiệp thành công với Bánh mì Xin Chào tại Nhật Bản

Bánh mì Xin Chào đã hiện thực hóa khát vọng quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới trong hành trình 6 năm của hai anh em Bùi Thanh Duy (SN 1986) và Bùi Thanh Tâm (SN 1991).

Anh em Thanh Duy (bìa trái) và Thanh Tâm (bìa phải).

Hiện tại, bánh mì Xin Chào của 2 chàng trai này đang đứng vững trên đất Nhật kể cả trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát. Bánh mì Xin Chào đã thực hiện khao khát quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới trong hành trình 6 năm của hai anh em Bùi Thanh Duy (SN 1986) và Bùi Thanh Tâm (SN 1991).

Khởi nghiệp bằng khoản tiền mừng cưới

Sinh ra và lớn lên ở vùng rốn lũ Đại Lộc (Quảng Nam) trong gia đình có 7 anh chị em, Duy và Tâm đã trải qua những ngày tháng học tập và làm việc vất vả nơi xứ người suốt nhiều năm.

Thanh Duy tốt nghiệp khoa Kinh tế, Đại học Yokkaichi, sống ở Nhật đã 10 năm. Sau khi ra trường, cậu từng làm việc cho một công ty Nhật chuyên quản lý, thông dịch cho tu nghiệp sinh, thực tập sinh người Việt. Còn cậu em Thanh Tâm đã đặt chân sang đất nước này 6 năm, học cùng khoa, cùng trường với anh và chuẩn bị tốt nghiệp vào giữa tháng 3 tới đây.

Những xuất bánh mì hấp dẫn tại Bánh mì Xin Chào.

Mùa hè năm 2015, lúc vẫn đang là cậu sinh viên năm 3 khoa kinh tế, trường Đại học Yokkaichi, trong một lần du lịch Tokyo và tình cờ ăn thử bánh mì Kebab, Thanh Tâm đã liên tưởng đến ổ bánh mì Việt Nam truyền thống - vốn đang làm mưa làm gió tại các quốc gia Âu Mỹ. Khi đó, những ổ bánh mì của Việt Nam đồng thời được bầu chọn là một trong mười món ăn đường phố ngon nhất thế giới.

Ngay lúc đó, anh nảy ra sáng kiến xây dựng một thương hiệu bánh mì của riêng mình với mục tiêu xây dựng chuỗi cửa hàng hùng mạnh trên khắp Nhật Bản. Được sự tán thành và hợp lực của anh trai Thanh Duy từ lúc vừa nhen nhóm ý tưởng. Tháng 10/2016, bánh mì Xin Chào khai sinh cửa hàng đầu tiên tại khu phố đông đúc, sầm uất Takadanobaba - quận Shinjuku ngay trung tâm thủ đô Tokyo.

Thực khách đông đúc tại quán Bánh mì Xin Chào ở Nhật Bản.

Nguồn vốn ban đầu khởi nghiệp của hai anh em xuất phát từ số tiền cưới của vợ chồng Thanh Duy. Hai anh em còn phải vay thêm gia đình và đóng góp từ cộng đồng người Việt tại Nhật Bản. Ngoài những khó khăn về vốn, các công việc về hoàn thiện thủ tục pháp lý, việc vượt qua các đợt kiểm tra và có được chứng nhận của Hiệp hội An toàn vệ sinh thực phẩm Nhật Bản cũng là một thách thức.

Thanh Duy chia sẻ, hai anh em đã phải mất nửa năm để tìm mặt bằng cho quán. Ngoài khó khăn của một người nước ngoài khởi nghiệp nơi đất khách quê người, với đặc thù loại sản phẩm được bán là bánh mì chủ yếu là khách hàng mang đi, 2 anh em buộc phải tìm được một vị trí phải là ở tầng trệt và ngay mặt phố đông người qua lại. Cuối cùng, hai anh em đã quyết định chọn con phố đông đúc, sầm uất Waseda Dori ở khu Takadanobaba để mở quán.

Sự nỗ lực của hai chàng trai khởi nghiệp tại Nhật Bản với bánh mì Xin chào đã nhận được những kết quả đầu tiên. Ý tưởng khởi nghiệp độc đáo với việc đưa bánh mì truyền thống của Việt Nam quảng bá tại đất nước mặt trời mọc đã nhận được sự ủng hộ và quan tâm của rất nhiều người dân lưu trú nơi đây nhất là một lượng lớn cộng đồng người Việt Nam ở Nhật, trung bình mỗi ngày quán Xin chào bán được tư 100-200 suất bánh mì chưa kể đồ uống.

“Taste banh mi, Taste Viet Nam”

Câu slogan của Bánh mì Xin Chào dịch ra với hàm ý “Nếm bánh mì - Nếm hương vị Việt Nam” cũng chính là tâm tư của hai nhà sáng lập gửi đến từng vị khách hàng người Việt xa xứ, cũng như thực khách nước bạn.

Hai anh em Thanh Duy và Thanh Tâm tự hào nói rằng: “Bề ngoài ổ Bánh Mì vàng ươm, không hề quý phái, cầu kỳ nhưng khi cắn vào miếng đầu tiên là sự cảm nhận giòn rụm lớp vỏ, bên trong lại là lớp ruột bánh mềm với vị ngon được hòa quyện từ chút bơ, chút pate, chút dưa chua, thịt nguội, chả, một ít nước sốt, hành ngò... tạo thành hương vị đặc trưng mà không loại bánh sandwich nào trên thế giới có được. Đất nước Việt Nam cũng vậy, nhìn bề ngoài giản dị, mộc mạc nhưng khi bắt đầu tiếp xúc, tìm hiểu thì bạn sẽ bất ngờ vì thái độ thân thiện, niềm nở”.

Tiệm Bánh Mì Xin Chào của hai chàng trai người Việt được báo chí Nhật đưa tin.

Theo Thanh Duy, với một số món ăn Việt khác, có thể có nhiều cách nấu tùy từng vùng miền, nhưng bánh mì lại là một phạm trù khác, chỉ cần làm sai một chút, nó sẽ trở thành món bánh kẹp mà trên thế giới ai cũng có thể làm được. Chính vì vậy, hai anh em đã quyết định chọn bánh mì mang phong cách Hội An làm đặc trưng của tiệm mình.

Để có thể bảo đảm rằng mỗi phần ăn được phục vụ đến khách hàng mang đúng hương vị, mỗi nguyên liệu dù là nhỏ nhất trong thành phần bánh mì đều do chính tay hai anh em thực hiện, chỉ có bánh mì thì phải đặt riêng ở một xưởng bánh của Nhật. Để có thể thành công, có nhiều hôm hai anh em phải ở lại tiệm đến tận 2-3h sáng mới có thể hoàn thành công việc.

Chia sẻ với truyền thông, Thanh Tâm cho biết, ngay trong đại dịch Covid-19, Bánh mì Xin Chào đang có một số lợi thế nhất định. Cụ thể, bởi bánh mì là một món ăn rất tiện dụng để mua nhanh, bán gọn và đây là điều mà rất phù hợp với nhu cầu của nhiều người trong đại dịch.

Khách hàng có thể ghé vào, mua đi rất nhanh, dễ dàng tuân thủ các biện pháp phòng lây nhiễm khi không tụ tập, đứng lâu ngoài đường hay tiếp xúc gần người khác và nhân viên bán hàng, Thanh Tâm chia sẻ về lợi thế của chuỗi cửa hàng Bánh mì Xin Chào.

Chính nhờ những lợi thế bất ngờ đó mà vào năm 2021, bất chấp hơn 1 năm dịch bệnh hoành hành, chuỗi cửa hàng Bánh mì Xin Chào vẫn mở liên tiếp hai cửa hàng tại thành phố Sapporo và Nagoya. Cả hai cửa hàng này đều được sự đón nhận của khách hàng.

Dù vậy, vào thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, các đường bay quốc tế bị ngừng, doanh thu bánh mì Xin Chào giảm đến 50%. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ Nhật Bản cho các doanh nghiệp thời điểm đó như giảm thuế, hỗ trợ tiền thuê nhà... cùng với các biện pháp xoay chuyển tình thế kịp thời, dù nằm ở tâm dịch Tokyo nhưng 2 cửa hàng bánh mì Xin Chào vẫn đứng vững trong đại dịch.

Tới thời điểm hiện tại, chuỗi Bánh mì Xin Chào của hai anh em Thanh Duy và Thanh Tâm đã mở tổng cộng 7 cửa hàng cố định (3 cửa hàng do anh em Tâm sở hữu, 4 cửa hàng là nhượng quyền thương hiệu) tại Tokyo và một số tỉnh thành, cùng một xe bán hàng lưu động tại Tokyo.

Dù chỉ mới đi vào hoạt động từ tháng 8/2021, nhưng những chiếc xe bán bánh mì lưu động được nhượng quyền thương hiệu Bánh mì Xin Chào đã ký được thỏa thuận với chuỗi siêu thị Itoyokado (lớn thứ hai sau Aeon tại Nhật Bản) để có thể bán phía trước các siêu thị của họ. Đây là lợi thế rất lớn, không phải đơn vị bán lẻ đồ ăn nào cũng đạt được.

Sự yêu thích bánh mì Việt Nam của nhiều người Nhật đã giúp cho đứa con tinh thần của hai anh em Thanh Tâm phát triển. Ngoài việc bán tại cửa hàng, trong mùa dịch, việc bán hàng qua các ứng dụng (app) cũng giúp doanh số Bánh mì Xin Chào tăng cao. Với các kênh bán hàng đa dạng, ước tính mỗi ngày doanh thu trung bình từ một cửa hàng thuộc sở hữu của Bánh mì Xin Chào tại Tokyo khoảng 30 triệu đồng.

Qua những ổ bánh mì thơm ngon, hai anh em Thanh Duy mong muốn gửi gắm tất cả tình yêu, tâm tư và khát vọng của bản thân, mong muốn góp phần quảng bá ẩm thực, văn hóa, và cả tinh thần nhiệt huyết, trí tuệ của tuổi trẻ Việt Nam đến với xứ sở Hoa Anh Đào.

Hai anh cũng mong muốn đóng góp một phần sức lực của mình để hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Nhật đoàn kết, phát triển. Và hai anh em cũng mong muốn Bánh mì Xin Chào là một phần nhỏ trong cây cầu hữu hảo, giao lưu văn hóa, kinh tế Nhật Bản - Việt Nam.

Theo Vũ Vũ (Pháp Luật VN)

Bình luận