: TVO 24H: 2021-04-04 08:28:34

Lượt xem: 2689

Có nên tăng độ khó của đề thi tốt nghiệp THPT 2021?

Một số ý kiến từ các trường đại học cho rằng nên tăng độ khó của đề thi tốt nghiệp THPT để thuận tiện cho công tác xét tuyển của các trường. Ngoài ra, cũng cần tính đến việc xây dựng các trung tâm khảo thí độc lập.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2020, cả nước có hơn 900.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, 650.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học với khoảng 2,5 triệu nguyện vọng.

Cả nước có tổng số 467.000 thí sinh trúng tuyển đại học, trong đó có hơn 390.000 thí sinh trúng tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, hầu hết các trường vẫn đang sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT làm căn cứ tin cậy trong xét tuyển đại học. Dự báo, trong năm 2021, xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn là phương thức hữu hiệu của nhiều trường đại học.

Ảnh minh họa.

GS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho rằng, hiện nay kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn còn giá trị lớn trong tuyển sinh tại các trường đại học. GS Tú kiến nghị trong năm 2021, Bộ GD-ĐT tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong các khâu trọng yếu như ra đề, coi thi, chấm thi.

Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cũng cho rằng, năm 2020 do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến học sinh trên cả nước, do đó đề thi ra ở mức vừa phải. Năm 2021, khi tình hình dịch bệnh phần nào ổn định hơn, học sinh đi học bình thường, đề thi cũng cần có tính phân hóa cao hơn để thuận lợi hơn cho các trường trong công tác tuyển sinh.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM lại cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức phục vụ mục đích chính là xét tốt nghiệp và các trường đại học có thể tận dụng kết quả này để xét tuyển đại học nhằm tiết kiệm chi phí cho thí sinh và xã hội. Theo dõi đề thi các năm gần đây, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, đề có khoảng 70% câu hỏi học sinh khá có thể làm được, 30% câu hỏi còn lại để tìm học sinh giỏi. Theo Hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM, độ khó như đề thi năm 2020 khá phù hợp do không xảy ra tình trạng mưa điểm 10, không có các ngành điểm chuẩn 30 hoặc trên 30. Nguyên tắc trong tuyển sinh đại học theo kiểu “thuyền lên, nước lên”, các trường sẽ xét từ cao xuống thấp, do đó không ảnh hưởng đến quá trình tuyển sinh.

Tiến tới xây dựng các trung tâm khảo thí độc lập

GS Nguyễn Minh Đức, Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội kiến nghị Bộ GD-ĐT cần tiếp tục giữ vai trò chủ chốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Năm 2021, ĐH Quốc gia Hà Nội tái khởi động kỳ thi đánh gia năng lực, nhiều trường đại học phát huy tinh thần tự chủ, có các phương án tuyển sinh chung và riêng. Tuy nhiên, GS Đức cho rằng, trong lộ trình dài hơn, cần hình thành các trung tâm khảo thí độc lập, trong đó đề thi có mức độ tương đương nhau, có mặt bằng chung. Bộ GD-ĐT giữ vai trò giám sát chung.

PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài Chính ủng hộ việc tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, song PGS Tùng cũng băn khoăn nếu thời gian tới, nhiều trường tổ chức thi đánh giá năng lực sẽ tạo ra sự không đồng nhất giữa các trường, “trăm hoa đua nở”. Do đó, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng cho rằng, cần gộp các trung tâm khảo thí riêng lẻ, tạo ra sự thống nhất trên cả nước, hoặc thành lập các trung tâm khảo thí lớn lại các vùng.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Luật Giáo dục đại học quy định các trường có quyền tự chủ trong tuyển sinh, song việc xét tuyển dựa theo 1 kết quả thi chung như kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ tạo ra mặt bằng chung, công bằng và tiết kiệm cho các thí sinh.

Thầy Dũng cho biết: “Trong những năm gần đây, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM không tổ chức thi đánh giá năng lực vì lo ngại sẽ không tạo ra sự công bằng cho các thí sinh khu vực khó khăn. Khi dành chỉ tiêu cho phương thức này, đồng nghĩa với việc chỉ tiêu cho xét dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT mà phần lớn thí sinh tham gia sẽ giảm đi. Khi tổ chức thi riêng, về lâu dần cũng có thể hình thành nên các lò “ôn tủ”, luyện thi đánh giá năng lực”.

Thầy Đỗ Văn Dũng cho rằng, nếu thành lập các trung tâm khảo thí độc lập, Cục Khảo thí Bộ GD-ĐT cần đóng vai trò đảm bảo chất lượng đề thi, tránh việc mỗi trung tâm ra đề có mức độ khó khác nhau, hoặc hạ độ khó của đề để thí sinh đăng ký dự thi đông hơn.

Theo Bộ GD-ĐT, năm 2021, kỳ thi tốt nghiệp THPT về cơ bản được giữ ổn định như năm 2020. Bộ GD-ĐT cũng khuyến khích, ủng hộ các trưởng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm căn cứ xét tuyển. Bên cạnh đó, Bộ cũng khuyến khích các trung tâm khảo thí độ lập cùng phồi hợp xây dựng ngân hàng đề thi và thống nhất các phương thức, chuẩn về đề thi. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo chất lượng và tạo thuận lợi cho thí sinh./.

Nguyễn Trang/VOV

Bình luận