: TVO 24H: 2023-03-15 09:05:58

Lượt xem: 2204

Ăn tiết canh và giết mổ lợn, 2 người nhiễm liên cầu lợn

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 2 bệnh nhân mắc liên cầu lợn, trong đó 1 người làm nghề giết mổ lợn.

Ngày 14-3, tin từ Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nô8j), cho biết nơi đây đang điều trị cho hai bệnh nhân mắc liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh và giết mổ lợn.

Ca thứ nhất là ông ĐTD (51 tuổi, ở Nam Định), nhập viện ngày 3-3 trong tình trạng mệt mỏi nhiều, da niêm mạc tái nhợt, môi khô lưỡi bẩn, sốt cao, khó thở, nghe phổi có giảm thông khí.

Ông D có tiền sử tăng huyết áp, xơ gan, uống rượu nhiều năm. Một ngày sau khi ăn tiết canh, ông có biểu hiện mệt mỏi, sốt cao, rét run.

Trước đó, ông D nhập viện BV Đa khoa tỉnh Nam Định nhưng tình trạng ít cải thiện nên được chuyển lên BV Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng huyết có sốc – viêm phổi, cấy máu S.suis, được điều trị kháng sinh tĩnh mạch liều cao, giảm đau, chống viêm, hạ sốt.

Những ngày đầu điều trị, bệnh nhân còn sốt cao, rét run liên tục, nhiệt độ thường xuyên ở mức 39-40 độ. Sau 11 ngày điều trị, bệnh nhân cắt sốt, hết khó thở, tình trạng nhiễm trùng giảm.

Bệnh nhân cho hay, trước khi bị bệnh có ăn tiết canh rồi tham gia thái thịt lợn trong đám cưới.

Ca thứ hai là chị ĐTC (44 tuổi, ở Nam Định), làm nghề giết mổ lợn, nhập viện ngày 26-2.

Theo lời người nhà kể, bệnh nhân mệt mỏi, sốt không rõ nhiệt độ. Rạng sáng cùng ngày, chị được người nhà phát hiện trong tình trạng kích thích, vật vã gọi hỏi không trả lời, sau đó nhanh chóng rơi vào hôn mê, suy hô hấp.

Bệnh nhân nhập viện BV Đa khoa tỉnh Nam Định rồi chuyển BV Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng hôn mê sâu, ban xuất huyết dạng đám, dải vùng cẳng bàn tay, bàn chân 2 bên, phổi có tình trạng viêm. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết – viêm màng não mủ – viêm phổi.

Hiện tại, sau 17 ngày điều trị, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, thở khí phòng bình thường, huyết động ổn định.

Bệnh liên cầu lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên, lây truyền từ động vật sang người và có thể gây tử vong.

Người bệnh thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài, chi phí điều trị lớn và thường để lại biến chứng không phục hồi.

Trước đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm liên cầu lợn ở người, triển khai ngay các biện pháp xử lý ổ dịch.

Nguồn Pháp luật

Bình luận