: TVO 24H: 2020-08-24 06:35:58
Lượt xem: 2730
Vụ bé trai mất tích ở Bắc Ninh: Phụ huynh nên rèn luyện kỹ năng gì cho trẻ?
Mặc dù đã được bàn giao về gia đình, song vụ việc này đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với các bậc cha mẹ trong việc bảo vệ con trẻ nơi công cộng.
Liên quan đến vụ bé trai 2 tuổi mất tích ở Bắc Ninh, theo ghi nhận của Lao Động đúng 0h40 ngày 23.8, Công an tỉnh Bắc Ninh đã đưa được cháu Nguyễn Cao Gia Bảo (2 tuổi) về trụ sở đơn vị để bàn giao cháu bé cho gia đình.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng di lý 2 nghi phạm về trụ sở để làm rõ.
Về vụ việc này, bà Nguyễn Phương Linh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) - cho rằng: "Vụ việc việc này đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với các bậc cha mẹ trong việc bảo vệ con mình nơi công cộng. Chúng ta không được chủ quan và lơ là bất kỳ lúc nào, vì kẻ xấu có thể là bất cứ ai, với nhiều động cơ "lởn vởn" xung quanh con chúng ta".
Theo bà Linh, đối với các bé dưới 3 tuổi, không phải chỉ để bé trong tầm mắt, bố mẹ nên ở bên con để còn bảo vệ con khỏi tai nạn thương tích nữa.
"Ngoài việc trông coi con trẻ, các bậc cha mẹ nên chú trọng việc rèn luyện các kỹ năng phòng chống bắt cóc, để con nhận thức và tự bảo vệ mình"- Giám đốc MSD nói.
Từ khi trẻ còn bé, bế ẵm, bố mẹ cũng nên cho trẻ ý thức về người lạ người quen, không nên khuyến khích trẻ dễ tính "ai cũng theo".
Bà Phương Linh cho rằng, hãy cùng con nói chuyện về bắt cóc ngay từ khi con 2-3 tuổi, cho con biết vòng tròn an toàn của con chỉ có bố mẹ, ông bà, cô giáo hay những người trong gia đình... vô cùng đáng tin tưởng, còn lại con không nên nghe ai, theo ai.
Về rèn luyện các kỹ năng cho trẻ em, Giám đốc MSD đưa ra lời khuyên: "Hãy giả định các trường hợp xảy ra và cùng con thảo luận cách xử lý như khi người lạ hoặc chỉ thân sơ, không thuộc những người an toàn tiếp cận con như cho con kẹo, rủ đi chơi, rủ chơi cùng thú cưng, hỏi chỉ đường, bảo bố mẹ nhắn đón, dẫn ra chỗ bố mẹ,... thì con sẽ làm thế nào và nhấn mạnh việc con cảnh giác, tránh xa. Để trẻ con nhớ, việc này cần diễn ra lặp đi lặp lại nhiều lần".
Ngoài ra, nếu chẳng may gặp kẻ bắt cóc cố tình bắt con, bà Linh cho rằng, con cần gây chú ý, xao lãng kẻ bắt cóc, kêu cứu, tìm kiếm sự giúp đỡ của người đi đường. Đặc biệt những người mặc đồng phục hay công an, bảo vệ; nếu tìm được cơ hội lập tức gọi cho bố mẹ, số 113 hoặc 111,...
"Từ hôm qua tới giờ, tôi và 2 cô con gái 5 tuổi và 7 tuổi đã theo dõi bám sát sự việc, cùng đọc báo, chia sẻ thông tin và thảo luận với con về tình huống này. Như vậy sẽ giúp con ý thức và trải nghiệm tốt hơn về 1 vụ việc thật. Cả nhà đã cùng sung sướng thở phào khi em bé được tìm thấy"-bà Linh nói.