: TVO 24H: 2021-12-21 18:00:52
Lượt xem: 2450
Vì sao Facebook phải nhận bình chọn 'Công ty tồi tệ nhất năm 2021'?
Dựa trên phản hồi trong cuộc khảo sát “Công ty tốt nhất và tệ nhất thế giới”, Facebook đã phải nhận danh hiệu "Công ty tồi tệ nhất năm 2021".
Đây là cuộc khảo sát do Yahoo Finance thực hiện để tìm ra “Công ty tốt nhất và tệ nhất thế giới” dựa trên phản hồi của hơn 1.000 độc giả.
Theo đó, danh hiệu “Công ty tốt nhất năm 2021" thuộc về Microsoft, còn chủ nhân của danh hiệu "Công ty tồi tệ nhất năm 2021" lại thuộc về Facebook. Thậm chí, số lượt người bình chọn Facebook là công ty tồi tệ nhất hành tinh cao gấp rưỡi so với vị trí thứ nhì là nền tảng thương mại điện tử Alibaba của tỷ phủ Jack Ma.
Theo đánh giá từ khảo sát này, suốt 12 tháng của năm 2021 này, Facebook (hay còn gọi là Meta) đã liên tục gây ra các tranh cãi hỗn loạn về bảo mật, quyền riêng tư.
Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg phải điều trần sau rắc rối Cambridge Analytica. Ảnh: AFP.
Lý do phần lớn người dùng bình chọn Facebook là công ty là bởi đây đều là những cá nhân có “nhiều bất bình” đối với mạng xã hội này. Một số "điểm nóng" của Facebook trong năm qua phải kể đến như: Không giới hạn các mối quan tâm về kiểm duyệt, báo cáo về tác động của Instagram đối với sức khỏe tâm thần và quyền riêng tư. Chỉ có khoảng 30% người tham gia phản hồi tích cực về việc liệu Facebook có thể “tự sửa sai” hay không.
Thực tế, Facebook từ lâu đã bị cuốn vào những lo ngại của công chúng về quyền riêng tư của người dùng. Facebook thậm chí đã đấu tranh với Apple về những thay đổi trong iOS và iPadOS khiến các công ty khó theo dõi người dùng trên các ứng dụng và trang web khác.
Họ cho rằng Tính minh bạch theo dõi ứng dụng (ATT) sẽ gây tổn hại cho các doanh nghiệp nhỏ dựa vào quảng cáo để thu hút khách hàng mới. Và chính điều này đã khiến sự tăng trưởng của công ty bị ảnh hưởng. Sau cuộc khảo sát của Yahoo Finance, hiện người phát ngôn của Meta từ chối trả lời bình luận liên quan đến vấn đề này.
Những người được hỏi không hài lòng với các chính sách và cách thức hoạt động của công ty. Facebook liên quan đến một số vụ bê bối lớn như tẩy chay quảng cáo năm 2020 diễn ra vào tháng 7. Trong tổng số 100 nhà quảng cáo lớn tham gia cuộc tẩy chay, có ít nhất 9 công ty chính thức tuyên bố thu hồi quảng cáo trả phí bằng cách cắt giảm khoản tài trợ từ 26,2 triệu USD xuống còn 507.500 USD.
Trước đó, tại sự kiện Facebook Connect vừa diễn ra, CEO Mark Zuckerberg đã thông báo Facebook sẽ đổi tên công ty thành Meta. Sau khi tái cấu trúc, Meta sẽ trở thành công ty mẹ, trong khi đó Facebook và các dịch vụ của mình trước đây như Instagram, WhatsApp, Oculus… sẽ trở thành những công ty con dưới quyền. Mark Zuckerberg tiếp tục nắm giữ vị trí Chủ tịch và CEO công ty mới thành lập.
Sau khi đổi tên công ty, mã chứng khoán của Facebook sẽ được đổi từ FB sang MVRS, có hiệu lực từ ngày 1/12 vừa qua.
Trước đó, vào tháng 7/2019, Facebook cũng từng bị Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) phạt 5 tỷ USD vì rắc rối lộ dữ liệu người dùng trong vụ Cambridge Analytica. Tuy nhiên, một nhóm cổ đông vừa kiện công ty, cho rằng khoản phạt này đúng ra chỉ là 106 triệu USD.
Theo đơn kiện, Facebook đã chấp nhận bị phạt thêm 4,9 tỷ USD để bao che cho Mark Zuckerberg và Giám đốc Vận hành Sheryl Sandberg khỏi các cáo buộc trực tiếp về vấn đề rò rỉ thông tin người dùng.
Đơn kiện được gửi đi từ tháng 8, nhưng vừa được công bố ngày 21/9. Trong vụ kiện tại Tòa án bang Delaware, 2 nhóm cổ đông tiết lộ một số thảo luận nội bộ của Facebook về việc ban quản trị đồng ý chi 4,9 tỷ USD nhằm bảo vệ cho Zuckerberg (đồng sáng lập kiêm CEO) và bà Sheryl Sandberg.
"Zuckerberg, Sandberg và một số thành viên của ban quản trị đã đồng ý một vụ dàn xếp tỷ USD để tránh việc Zuckerberg bị nêu tên trong bản cáo trạng từ FTC, điều có thể khiến Mark bị cáo buộc cá nhân hoặc phế truất khỏi vị trí hiện tại", Politico trích một bản cáo trạng.
FTC đã điều tra Facebook từ năm 2018 sau vụ việc rò rỉ thông tin của hơn 87 triệu người dùng cho công ty môi giới dữ liệu Cambridge Analytica. FTC muốn biết xem liệu công ty này có vi phạm các điều khoản bảo mật thông tin người dùng của chính phủ Mỹ hay không.
Theo Khánh Ngọc (Báo Giao Thông)