: TVO 24H: 2023-01-10 10:05:27

Lượt xem: 2197

Tuyển sinh 2023: Thí sinh rộng cửa vào đại học

Năm 2023, cửa vào đại học với nhiều thí sinh tiếp tục rộng mở khi các trường đại học vẫn áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh, thậm chí, một số trường còn tiến đến công nhận kỳ thi riêng của nhau.

Tuyển sinh 2023: Thí sinh rộng cửa vào đại học

Thí sinh được các chuyên gia giải đáp thắc mắc tuyển sinh ngày 8/1 tại TPHCM. Ảnh: Nguyễn Dũng

Đa dạng phương thức tuyển sinh

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều trường đại học tại TPHCM đã công bố đề án tuyển sinh riêng của mình, trung bình mỗi trường có đến 5-6 phương thức xét tuyển khác nhau.

Theo đề án công bố của Trường ĐH Công nghệ TPHCM, năm nay trường dự kiến xét tuyển gần 10.000 chỉ tiêu trình độ ĐH chính quy cho 59 ngành đào tạo theo 4 phương thức xét tuyển.

Các phương thức xét tuyển của Trường ĐH Công nghệ TPHCM gồm: Xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023; Xét tuyển kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) 2023 của ĐH Quốc gia TPHCM; Xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp 12 và Xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12). Về tổ hợp xét tuyển, trường áp dụng 4 tổ hợp môn cho mỗi ngành xét tuyển.

Tương tự, tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, năm nay trường dự kiến tuyển hơn 8.000 chỉ tiêu vào các ngành theo 4 phương thức xét tuyển.

Phương thức 1 là tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng (dự kiến 10% chỉ tiêu); Phương thức 2 là sử dụng kết quả học tập THPT năm lớp 12 (dự kiến 30% chỉ tiêu); Phương thức 3, sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (dự kiến 50% chỉ tiêu) và phương thức 4, sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2023 (dự kiến 10% chỉ tiêu).

Trong khi đó, năm 2023, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TPHCM và Bộ Công an tiếp tục tổ chức các kỳ thi tuyển sinh riêng. Đáng chú ý, nhiều trường cùng công nhận và dùng chung kết quả của các kỳ thi này để xét tuyển đầu vào.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho hay, năm nay, trường sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt với dự kiến hai đợt thi vào tháng 4 và tháng 6/2023, chi tiết về kỳ thi sẽ được công bố vào tháng 1/2023.

Cũng theo ông Trung, để thuận tiện cho thí sinh, năm nay Trường ĐH Sư phạm TPHCM và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ công nhận kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của nhau. “Theo đó, thí sinh muốn xét tuyển vào trường này có thể dự thi kỳ thi của trường kia rồi sẽ được công nhận, xét tuyển như đối với các thí sinh khác và ngược lại”, ông Trung nói và cho biết thêm, với các trường đại học sư phạm còn lại, họ không cần tổ chức thi mà sẽ sử dụng kết quả của hai kỳ thi do hai trường trên tổ chức để làm dữ liệu xét tuyển vào trường họ nếu có nhu cầu.

Công bố kế hoạch tuyển sinh vào tháng 2

Tại ngày hội tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển ĐH, CĐ năm 2023 do Tạp chí Giáo dục TPHCM tổ chức ngày 8/1, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH- Bộ GD&ĐT cho biết năm 2023, Bộ không ban hành quy chế tuyển sinh mới mà vẫn áp dụng quy chế, quy trình như năm 2022.

Cụ thể, các trường ĐH sẽ cung cấp thông tin đề án tuyển sinh và thông tin khác để thí sinh được biết, quan tâm các ngành nghề. Năm nay, việc đăng ký nguyện vọng của thí sinh vẫn được thực hiện trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT. Mỗi thí sinh được cấp tài khoản để đăng ký xét tuyển, xác nhận nhập học…

Theo PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, thí sinh đăng ký nguyện vọng sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT. “Theo quy định, thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng nhưng theo tôi, các em không nên đăng ký quá nhiều. Năm 2022, có thí sinh đăng ký cả trăm nguyện vọng” - bà Thủy khuyên.

Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết năm 2023, hệ thống đăng ký xét tuyển được nâng cấp để thí sinh dễ dàng đăng ký. Nhiều kênh thanh toán lệ phí xét tuyển cũng được mở để thuận lợi hơn cho thí sinh.

Năm nay, kế hoạch tuyển sinh sẽ sớm hơn để thí sinh trúng tuyển có thể nhập học vào tháng 9. Tháng 2 tới, Bộ GD&ĐT sẽ công bố kế hoạch tuyển sinh năm 2023.

Năm 2022 có tới 20 phương thức tuyển sinh do các trường đề xuất lên, có nhiều phương thức không hiệu quả, thậm chí gây mất công bằng. Do đó, Bộ GD&ĐT lưu ý, các trường ĐH nên xem xét giảm phương thức tuyển sinh, theo hướng phương thức nào ít tác dụng thì tinh giản; các phương thức tuyển sinh cần được thay đổi sao cho tinh gọn.

Khi nào các trường được xét tuyển sớm?

Trả lời câu hỏi về quy định các trường đại học không xét tuyển sớm sẽ được thực hiện thế nào khi hiện nay không ít cơ sở giáo dục đào tạo ĐH đã thông báo nhận hồ sơ tuyển sinh, bà Nguyễn Thu Thủy khẳng định trong hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh năm vừa qua, Bộ GD&ĐT có khuyến cáo các trường nếu không cần thiết thì không cần xét tuyển sớm. Bởi cuối cùng, tất cả học sinh đều đăng ký vào hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, theo quy chế, các trường được quyền có thể tổ chức xét tuyển sớm. Việc cung cấp thông tin cho thí sinh khi xét tuyển xong chỉ là tạm thời hoặc trúng tuyển có điều kiện. Do đó, các trường vẫn có thể tổ chức xét tuyển sớm bình thường nếu như các trường có nhu cầu.

Bà Thủy lưu ý tới thí sinh, dù có hoàn thành kỳ tuyển sớm thì cũng không có nghĩa là các em đã được nhận chính thức vào trường ĐH đã công bố mà vẫn cần hoàn tất các thủ tục theo quy định.

Về xét tuyển đại học, TS Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên viên Vụ Giáo dục ĐH cũng lưu ý năm 2023, các cơ sở giáo dục ĐH sẽ đưa ra quy chế tuyển sinh riêng, dựa vào quy chế chung của Bộ GD&ĐT và đặc thù của từng trường.

Vì vậy, ông Hùng nhắc nhở các thí sinh cần tìm hiểu thật kỹ quy chế tuyển sinh của trường mình đang mong muốn theo học bên cạnh nghiên cứu đề án tuyển sinh như mọi năm.

Nguồn Tiền Phong

Bình luận