: TVO 24H: 2020-05-27 21:24:42

Lượt xem: 2568

Thị trường ngày 27/05: Giá dầu bật tăng hơn 3%, vàng tiếp đà giảm

Lạc quan vào sự phục hồi kinh tế dầu, kim loại, cao su đều tăng trong khi vàng tiếp đà giảm hơn 1% khi nhu cầu tài sản rủi ro giảm đi.

Dầu tăng do hạn chế nguồn cung

Giá dầu tăng trong phiên đêm qua được hỗ trợ bởi niềm tin ngày càng tăng rằng các nhà sản xuất đang tuân theo cam kết cắt giảm nguồn cung và do nhu cầu nhiên liệu phục hồi khi nhiều quốc gia nới lỏng việc phong tỏa.

Chốt phiên 26/5, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 7 tăng 1,8% hay 64 US cent lên 36,17 USD/thùng. Dầu thô WTI cùng kỳ hạn tăng 3,3% hay 1,1 USD lên 34,35 USD/thùng.

Sự phục hồi hiện tại của giá dầu chủ yếu bởi những xem xét về nguồn cung. Các nhà sản xuất thuộc OPEC+ không chỉ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày mà thậm chí một số quốc gia sản xuất lớn ở vùng Vịnh như Saudi Arabia, UAE và Kuwait có thể cắt giảm nhiều hơn. Khi những hạn chế phong tỏa đang được nới lỏng, phía nhu cầu cũng hỗ trợ giá.

Bộ trưởng Năng lượng Nga dự kiến nhóm họp với các nhà sản xuất dầu mỏ để bàn luận khả năng gia hạn cắt giảm sản lượng ngoài tháng 6.

Thị trường phấn khích khi Nga nói rằng sản lượng dầu của nước này đã giảm gần mục tiêu 8,5 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6/2020 theo thỏa thuận nguồn cung của tổ chức OPEC+.

Các quốc gia OPEC+ sẽ nhóm họp lại vào đầu tháng 6/2020 để bàn luận việc duy trì cắt giảm nguồn cung của họ nhằm hỗ trợ giá hiện giảm khoảng 45% từ đầu năm nay.

Khí tự nhiên của Mỹ tăng

Khí tự nhiên của Mỹ tăng hơn 3% trong phiên qua do sản lượng giảm bất chấp dự báo nhu cầu và xuất khẩu sụt giảm bởi việc phong tỏa và thời tiết ôn hòa trong 2 tuần tới.

Giá khí tự nhiên giao tháng 6 tại New York tăng 6,2 US cent hay 3,6% đóng cửa tại 1,793 USD/mmBtu. Hợp đồng kỳ hạn tháng 7 sẽ sớm thay thế hợp đồng tháng 6 tăng khoảng 6 US cent lên 1,94 USD/mmBtu.

Vàng giảm tiếp

Giá vàng giảm hơn 1% trong phiên vừa qua do nhiều quốc gia nới lỏng việc phong tỏa dấy lên hy vọng phục hồi kinh tế, mặc dù căng thẳng Mỹ - Trung Quốc về Hong Kong đã hạn chế đà giảm.

Vàng giao ngay giảm 1,1% xuống 1.710,95 USD/ounce, trong phiên giá đã giảm xuống 1.708,47 USD, thấp nhất kể từ ngày 13/5. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 chốt phiên giảm 1,7% xuống 1.705,6 USD/ounce.

Chứng khoán Mỹ tăng do các nhà đầu tư ngày càng lạc quan về việc khởi động lại nền kinh tế và khả năng có vaccine ngừa virus corona.

Tây Ban Nha kêu gọi khách du lịch nước ngoài trở lại từ tháng 7, trong khi Anh sẽ mở cửa lại hàng nghìn trung tâm mua sắm vào tháng tới. Mỹ cũng dần dần nới lỏng các hạn chế.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc về luật an ninh mới được thi hành ở Hong Kong, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng cảnh báo rằng luật được đề xuất có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Hong Kong và Trung Quốc. Vàng thường được sử dụng như một nơi trú ẩn an toàn trong thời gian bất ổn chính trị và tài chính.

Đồng tăng

Đồng tăng khoảng 2% khi các nhà đầu tư lờ đi cuộc đối đầu Mỹ - Trung Quốc về Hong Kong, tập trung vào khả năng kích thích kinh tế của Trung Quốc sẽ cải thiện nhu cầu kim loại.

Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 1,4% lên 5.361,5 USD/tấn và gần mức cao nhất 2 tháng tại 5.464 USD đã đạt được trong tuần trước.

Giá đồng đã phục hồi từ mức thấp nhất 4 năm tại 4.371 USD/tấn hồi giữa tháng 3/2020 do nới lỏng việc phỏng tỏa nhưng vẫn thấp hơn nhiều mức hơn 6.000 USD trước đại dịch.

Trung Quốc, nước sử dụng kim loại nhiều nhất, tuần trước đã cho biết họ sẽ kích thích kinh tế thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng.

Tây Ban Nha và Đức báo hiệu họ sẽ nới lỏng việc hạn chế đi lại và ngân hàng trung ương Nhật Bản cho biết họ có thể thực hiện nhiều bước để kích thích kinh tế.

Nhập khẩu kẽm, nickel, nhôm và quặng đồng của Trung Quốc trong tháng 4 tăng mạnh so với tháng liền trước, theo số liệu hải quan.

Quặng sắt Trung Quốc giảm

Giá quặng sắt kỳ hạn tại Trung Quốc tiếp tục giảm trong phiên thứ hai liên tiếp, giảm gần 3,5% do số liệu cho thấy xuất khẩu tăng từ các mỏ chủ chốt trong tuần trước làm dịu đi lo lắng về nguồn cung.

Bình luận