: TVO 24H: 2022-01-12 10:15:41
Lượt xem: 2391
Sinh vật Trái Đất sinh ra ở nơi kinh dị 'như ngoài hành tinh'
Tắm trong tia cực tím (UV) chết chóc gấp 10 lần Trái Đất hiện nay, đàn sinh vật bé nhỏ vẫn tiếp tục sinh tồn và tiến hóa trong vài tỉ năm - chúng là những vị "thủy tổ" sơ khai của muôn loài.
Đó là hàm lượng bức xạ được cho là hoàn toàn không phù hợp với sự sống mà nhiều hành tinh ngoài hệ Mặt Trời mà chúng ta đã biết đang phải hứng chịu. Nhưng điều đó có thể sai, dựa theo những kết luận gây sốc từ nghiên cứu trên tạp chí Royal Society Open Science.
Khác biệt giữa Trái Đất 2 tỉ năm trước (trái) và Trái Đất hiện tại khiến nó từng phải tắm đẫm trong điều kiện khắc nghiệt "như ngoài hành tinh" - Ảnh: Royal Society Open Science
Theo tiến sĩ Gregory Cooke từ Đại học Leeds và các cộng sự, Trái Đất của chúng ta từng như vậy. Các mô phỏng máy tính về Trái Đất sơ khai suốt 2,4 tỉ năm qua của họ tiết lộ Trái Đất đã từng là một thế giới khắc nghiệt, tắm đẫm trong bức xạ Mặt Trời, với lượng tia UV phải nhận gấp 10 lần hiện tại.
Với mức độ UV đó, các sinh vật hiện đại đều phải chết. Nhưng có vẻ sinh vật sơ khai thì không. Các nghiên cứu trước đó hé lộ, sự sống đầu tiên trên Trái Đất đã xuất hiện hơn 4 tỉ năm trước, có nghiên cứu đưa ra con số lên tới 4,3 tỉ năm.
Nhưng ít nhất 2-2,4 tỉ năm trước, Trái Đất vẫn là nơi giống như các thế giới ngoài hành tinh mà chúng ta đã cho rằng không sống được.
Nguyên nhân của lượng UV chết chóc này chính là bầu khí quyển với hàm lượng oxy thấp, tầng ozone sơ khai không đủ ngăn bớt tia UV có hại tác động lên mặt đất, theo tờ Phys.org.
Theo nhóm nghiên cứu, điều này có thể dẫn đến những "hậu quả hấp dẫn" đối với quá trình tiến hóa của sự sống.
Phát hiện này cũng mở ra một hướng đi mới cho các cuộc săn tìm sự sống ngoài hành tinh, bởi lẽ việc dựa vào các điều kiện mà sự sống Trái Đất hiện đại cần để tồn tại có vẻ quá khắt khe để đánh giá một hành tinh là có thể sống được hay không.
Theo Anh Thư (Người lao động)