: TVO 24H: 2024-08-06 14:38:15
Lượt xem: 2135
Quyền lợi các nhà đầu tư sau vụ án cựu chủ tịch Trịnh Văn Quyết sẽ thế nào?
Theo bản án, 2 bị cáo Trịnh Văn Quyết và Trịnh Thị Minh Huế phải liên đới bồi thường cho các bị hại và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tổng cộng hơn 1.785 tỉ đồng
Ngày 5-8, TAND TP Hà Nội đã tuyên bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch FLC, với tổng hình phạt 21 năm tù về 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán. Cùng về 2 tội danh nêu trên, 2 em gái ông Quyết Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga lần lượt là 14 năm tù và 8 năm tù. Các bị cáo khác từ 15 tháng tù treo đến 8 năm 6 tháng tù.
Theo bản án sơ thẩm, để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, bị cáo Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái Trịnh Thị Minh Huế tăng khống vốn góp Công ty Faros (mã cổ phiếu ROS) từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng, niêm yết trên sàn chứng khoán. Sau đó, cán bộ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán và sàn HoSE đã dùng thông tin trên, chấp thuận niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS. Từ đây, bị cáo Quyết bán 391 triệu cổ phiếu cho hơn 30.400 nhà đầu tư, chiếm đoạt 3.620 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, bị cáo Trịnh Văn Quyết còn mượn của nhiều người đứng tên mở tài khoản chứng khoán. Sau đó, bị cáo cùng các đồng phạm đã niêm yết thuộc hệ sinh thái FLC khiến nhiều nhà đầu tư mất 684 tỉ đồng.
Theo bản án, do không biết cổ phiếu ROS bị các bị cáo Trịnh Văn Quyết cùng các đồng phạm nâng khống giá trị, 25.000 nhà đầu tư đã bỏ tiền mua, vì thế họ được xác định là bị hại.
Về nguyên tắc, các bị cáo sẽ phải bồi thường số tiền ban đầu mà nhà đầu tư bỏ ra mua cổ phiếu bị nâng khống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có nhà đầu tư mua nhiều lần, khối lượng bị trộn lẫn giữa các lần; có người mua và đã bán hết, hoặc có người không biết bị lừa đảo nên không yêu cầu bồi thường.
Tại thời điểm các bị cáo bán cổ phiếu nâng khống, có nhà đầu tư mua giá cao, nhưng cũng có người mua giá thấp. Việc giao dịch kéo dài trong nhiều năm, đến nay không xác định được chính xác việc mua bán cho từng lần khớp lệnh. Cùng với đó, việc mua bán cổ phiếu được xác lập từ hàng triệu tài khoản trên thị trường chứng khoán, không thể xác định nhà đầu tư đã mua bán cổ phiếu với ai, ở thời điểm nào.
Ngoài ra, ngoài giá trị gốc niêm yết, giá của cổ phiếu còn chịu ảnh hưởng bởi yếu tố thị trường và tâm lý nhà đầu tư, cùng các yếu tố chủ quan và khách quan khác… Từ những căn cứ trên, để đảm bảo công bằng, Hội đồng xét xử buộc các bị cáo bồi thường cho các nhà đầu tư dựa trên số tiền đã nâng khống của mỗi cổ phiếu đã bán ra thị trường nhân với số cổ phiếu họ còn nắm giữ.
Theo tính toán của Hội đồng xét xử, tại thời điểm phát hành 430 triệu cổ phiếu ROS, số tiền mỗi cổ phiếu (giá niêm yết 10.000 đồng) bị nâng khống hơn 7.200 đồng. Sau khi phát hành 430 triệu cổ phiếu, Công ty Faros có thêm 2 lần nâng vốn với tổng số hơn 5.600 tỉ đồng, dưới hình thức phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức. Các lần tăng vốn này đều là hệ quả từ việc nâng vốn khống trước đó, nên các bị cáo cũng phải bồi thường cho cả những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu ở giai đoạn sau.
Tuy nhiên, cơ quan tố tụng cũng xác định 2 lần tăng vốn nêu trên không bị xác định là nâng khống, do đó số vốn thực của Công ty Faros tăng lên hơn 2.500 tỉ đồng, số vốn khống là hơn 3.100 tỉ đồng. Chia theo mỗi cổ phiếu đã phát hành (10.000 đồng), hội đồng xét xử tính toán giá trị bị nâng khống là hơn 5.400 đồng/cổ phiếu.
Với phương pháp bồi thường như đã nêu, tòa buộc các bị cáo Trịnh Văn Quyết và Trịnh Thị Minh Huế liên đới bồi thường hơn 1.700 tỉ đồng đối với hành vi lừa đảo. Với hành vi thao túng chứng khoán, cựu chủ tịch Tập đoàn FLC cũng phải liên đới truy nộp hơn 680 tỉ đồng. Hiện, các bị cáo đã nộp khắc phục hơn 264 tỉ đồng.
Trong quá trình giải quyết vụ án, đến nay có 85 nhà đầu tư có đơn gửi đến tòa, cho biết đã được gia đình bị cáo Quyết bồi thường thiệt hại. Các bị cáo phải tiếp tục bồi thường cho các bị hại còn lại theo nguyên tắc mà tòa đã xác định.
Với những nhà đầu tư hiện chưa có yêu cầu bồi thường, họ được quyền tiếp tục yêu cầu sau khi phiên tòa kết thúc, trong một vụ án dân sự khác.
Riêng với những nhà đầu tư đã mua cổ phiếu bị nâng khống và bán cho người tiếp theo (tức là chuyển phần giá trị nâng khống cho người khác), họ có quyền tự thỏa thuận về việc hoàn trả giá trị bị nâng khống, nếu các bên phát sinh tranh chấp thì giải quyết bằng vụ án dân sự khác. Về các tài sản bị kê biên, phong tỏa (bất động sản, tài khoản ngân hàng)…, Hội đồng xét xử đề nghị tiếp tục duy trì biện pháp ngăn chặn để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.
Hội đồng xét xử cũng ghi nhận đề nghị của vợ bị cáo Trịnh Văn Quyết cùng cựu chủ tịch FLC có nguyện vọng lấy hết tài sản của mình đang bị kê biên, phong tỏa để bồi thường thay cho chồng…