: TVO 24H: 2022-03-24 13:57:00

Lượt xem: 2455

Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long: Nhận xét và kiến nghị

Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, được chờ đợi từ cuối năm 2020 và được kỳ vọng sẽ triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ.

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Ngọc Trân[1] đã có bài viết "Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long: Nhận xét và kiến nghị". Báo Đại Đoàn Kết Online trân trọng đăng toàn văn bài viết.

Tóm tắt

Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, được chờ đợi từ cuối năm 2020 và được kỳ vọng sẽ triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, khắc phục sự tụt hậu của đồng bằng so với bình quân cả nước và đưa vùng vào quỹ đạo phát triển bền vững. Bài viết phân tích bước đầu văn bản, đưa ra năm nhận xét khái quát, một số câu hỏi, đề xuất và kiến nghị.

Thông tin có liên quan

Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ Về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, ban hành ngày 17/11/2017, (dưới đây viết tắt là NQ 120) giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) nhiệm vụ:

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thích ứng với biến đổi khí hậu theo phương pháp tích hợp đa ngành, trên cơ sở quy hoạch các ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ lực, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trước quý III năm 2020”.

Nhiệm vụ này nhận được sự tài trợ từ Ngân hàng Thế giới mà Bộ KH-ĐT là bên tiếp nhận, và sản phẩm là Mekong Delta Integrated Regional Plan (MDIRP).

Ngày 21/11/2017, Luật Quy hoạch được Quốc hội ban hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Luật quy định hệ thống quy hoạch quốc gia (Điều 5) và Mối quan hệ giữa các quy hoạch (Điều 6) trong đó có quy hoạch vùng.

Ngày 28/2/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 287/QD-TTg, phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (dưới đây viết tắt là QH 287).

Văn bản Quyết định dài 40 trang[2] trong đó có 3 trang Phụ lục Danh mục chương trình, dự án ưu tiên đầu tư và phân kỳ thực hiện. Không có bản dồ và cơ sở dữ liệu nào kèm theo.

Nhận xét

Bài viết này nêu lên bước đầu năm nhận xét khái quát về QH 287.

(1). Về quan điểm chỉ đạo của NQ 120 và quan điểm của QH 287

Một trong bốn quan điểm chỉ đạo của NQ 120 là:

“c) Tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn”.

Chủ trương và định hướng chiến lược phát triển đồng bằng sông Cửu Long của NQ 120 còn nhấn mạnh:

Bên cạnh tài nguyên nước ngọt, cần coi nước lợ, nước mặn cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế”.

Quan điểm chỉ đạo thứ ba không còn trong Quan điểm phát triển của QH 287. Chủ trương và định hướng chiến lược coi nước lợ và nước mặn cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế không được nhắc tới.

NQ 120 được quyết nghị trên cơ sở kết quả của Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu do chính Thủ tướng Chính phủ chủ trì; được các Thành viên Chính phủ thảo luận, biểu quyết tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2017. NQ 120 còn là một căn cứ của Quyết định 287-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Do đó câu hỏi được đặt ra là “Bỏ qua quan điểm chỉ đạo thứ ba, cắt xén NQ dựa trên cơ sở nào, có được thảo luận rộng rãi không? Việc làm này có trái với nguyên tắc phù hợp và thống nhất trong thứ bậc của các văn bản pháp quy hay không?”.

(2) Về bản đồ và cơ sở dữ liệu đi kèm QH 287

Những quan điểm, phương hướng, định hướng phát triển,v.v… của một quy hoạch cuối cùng phải được thể hiện, bằng cách này hay cách khác, trên bản đồ.

Sự cần thiết của các bản đồ trong quy hoạch đã được quy định tại 5 Điều, 3, 21, 31, 35 và 40 của Luật Quy hoạch. Điều 21, Yêu cầu về nội dung quy hoạch, tại khoản 9, quy định: “Nội dung của từng loại quy hoạch phải thống nhất, liên kết với nhau và được thể hiện bằng báo cáo quy hoạch và hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu về quy hoạch”.

Điều khoản tham chiếu (Terms of References) của Tiểu Dự án 6, mà Bộ KH-ĐT là Bên tiếp nhận[3] yêu cầu rất rõ:

“Các định hướng quy hoạch không gian đều phải bản đồ hóa, để làm cơ sở cho các cam kết thực hiện sau này”;(…). “Hệ thống bản đồ của QH tổng thể vùng ĐBSCL được xác định trong Báo cáo nhiệm vụ QH được phê duyệt và dự kiến phải ở tỷ lệ 1/100.000 - 1/250.000 và tỷ lệ 1/50.000 sẽ được sử dụng cho một số khu vực quan trọng (nếu có)” (trang 35/99).

+ Việc đánh giá khách quan, chính xác, từ đó phân tích MạnhYếuThời cơThách thức (SWOT) của vùng là một tài liệu không thể thiếu.

Những điều khoản trong Luật Quy hoạch liên quan đến bản đồ cũng quy định về cơ sở dữ liệu.

Từ đó câu hỏi: Nếu không có các bản đồ và cơ sở dữ liệu đi kèm, QH 287 có phải là một quy hoach theo quy định của Luật Quy hoạch hay không?

(3) Về đảm bảo nguồn lực, nguồn vốn để thực hiện quy hoạch

Đảm bảo nguồn lực để thực hiện quy hoạch là một trong 8 nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch được quy định tại Điều 4 của Luật Quy hoạch.

Trong nguồn lực thì nguồn vốn đầu tư là một yếu tố quan trọng hàng đầu đối với thành bại của một quy hoạch. Người dân đồng bằng chờ đợi với QH 287 sẽ mang lại chuyển biến tích cực hơn cho tới hiện nay.

Phần VIII đưa ra Danh mục 37 chương trình, dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 và sau năm 2030.

Không có bất cứ một số liệu nào về vốn. Chỉ có Giải pháp về huy động cho nguồn vốn (Phần IX, trang 33). Huy động công, tư đều có cả nhưng khó mà biết đồng bằng sông Cửu Long sẽ được đầu tư bao nhiêu, bởi lẽ mới là phương hướng: ưu tiên, còn nghiên cứu, mở rộng, tăng cường thu hút, xây dựng chiến lược xúc tiến,…

Nhưng chắc chắn một điều: Khó mà huy động đầu tư tư nhân (trong nước và quốc tế) với những dự án công trình mà tính khả thi và hiệu quả không rõ, đưa ra để “câu” đầu tư, và khi mà Ngân sách nhà nước cứ tiếp tục rót cho những dự án không hiệu quả nhưng vẫn đang ngốn ngân sách nhà nước.

(4) Về phương pháp luận để đạt những yêu cầu của NQ 120

Yêu cầu của NQ 120 là quy hoạch phải được xây dựng tích hợp đa ngành, đưa vùng đến phát triển bền vữngthích ứng với biến đổi khí hậu, với tầm nhìn đến năm 2050.

Văn bản QH 287 có 9 Phần, dài 40 trang nhưng không có chỗ nào trình bày bằng cách nào, với phương pháp luận nào QH 287 lựa chọn ra các Chướng trình và dự án ưu tiên và bảo đảm rằng chúng sẽ giúp đạt được các yêu cầu của NQ 120.

Được Bộ KH-ĐT mời góp ý từ tháng 11/2020 cho MDIRP, tác giả đã nhiều lần đề nghị Bộ yêu cầu Liên danh tư vấn trình bày rõ phương pháp luận của MDIRP để đạt những yêu cầu của NQ 120. Đây là phần đáng giá nhất của Tiểu Dự án 6, bởi lẽ nếu tốt, nó sẽ giúp cho công tác quy hoạch vùng lãnh thổ của chúng ta thoát ra khỏi thực trạng chia cắt, trùng lắp, không ít cản trở nhau giữa các ngành nhưng đồng thời có nhiều chỗ trống.

Vì phương pháp luận không có hoặc không rõ ràng nên trong QH 287 có không ít tùy tiện, bất cập, không sát thực tế, cơ sở khoa học chưa rõ đã được ghi vào quy hoạch.

Xin đơn cử trích từ phương hướng phát triển mạng lưới giao thông.

Điều mà đồng bằng đang rất cần là một quy hoạch giao thông có lịch trình thực hiện rõ ràng, không ngủ đông 10 năm như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tối ưu giữa giao thông bộ, thủy nội địa và đường biển, sớm phát huy hiệu quả, tạo nên giá trị gia tăng cho nền kinh tế của đồng bằng mà cũng là cho cả nước.

Ảnh minh họa.

Chúng ta thấy gì trong QH 287?

+ “Khu bến Trần Đề (cảng biển Sóc Trăng) định hướng quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long” được ghi vào trong QH 287 (trang 17) trong khi còn rất nhiều ý kiến trái chiều, kể cả từ tư vấn quốc tế. Có ý kiến cho rằng đưa vào quy hoạch cốt để “tìm kiếm” đầu tư lớn từ bên ngoài (!)

+ Cũng ở trang 17, “Nâng cấp các luồng chính bao gồm luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, luồng hàng hải Trần Đề” cũng được ghi vào QH 287. Luồng hàng hải Trần Đề từ đâu đi đến đâu? Đơn vị chức năng còn chưa xác định do bồi lắng ở cửa biển và ở bên trong[4].

Bao gồm luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu” có nghĩa là tiếp tục chi từ ngân sách nhà nước, trước mắt thêm 2600 tỷ đồng, cho một dự án đã phá sản trên thực tế so với mục tiêu mà chính dự án đã đề ra[5].

+ Trong khi đó dự án BOT nạo vét luồng Định An, một trong các cơ chế đặc thù cho Thành phố Cần Thơ, vừa được Quốc hội thông qua lại không được QH 287 nói tới!

NQ 120 ghi rõ trong Chủ trương và định hướng chiến lược phát triển đồng bằng sông Cửu Long: “Bên cạnh tài nguyên nước ngọt, cần coi nước lợ, nước mặn cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế”.

5 gạch đầu dòng (sẽ trích dẫn sau đây) ở trang 29 của QH 287, không hiểu tại sao chúng lại có chỗ trong quy hoạch mặc dù mới là phương hướng, thậm chí là ý tưởng mà cơ sở khoa học và thực tế còn chưa rõ, giống như những đề xuất đào mới hai kênh để thoát lũ trong Tứ giác Long Xuyên, đào mới một kênh lớn nối liền sông Tiền với sông Hậu để đảm bảo nguồn nước và trầm tích đã từng được đưa vào quy hoạch Mekong Delta Plan 2013 (trang 97 và trang 99).

5 gạch đầu dòng không sát thực tế vùng, chưa nói về địa mạo - thổ nhưỡng tại nơi dự kiến đến có phù hợp hay không, cho đào hồ trữ nước chẳng hạn.

Xin đơn cử mấy ví dụ từ những gạch đầu dòng đó.

+ “Trữ nước trong các vườn quốc gia, tận dụng diện tích rừng ngập nước làm nơi trữ nước”. Hãy xét một trường hợp cụ thể là Vườn quốc gia U Minh Thượng và U Minh Hạ. Hiện nay tại hai nơi này, hàng năm vào mùa khô phải bơm nước vào để phòng chống cháy rừng tràm. Bởi lẽ trũng treo ngậm nước ngọt trước đây đã bị “chắt nước” cho sản xuất nông nghiệp mà hậu quả là các trận cháy hàng nghìn hecta rừng và lớp than bùn dày vào những năm 1980, 1990, đã làm mất khả năng trữ nước vốn có của chúng.

+ “Tận dụng diện tích rừng ngập nước làm nơi trữ nước”. Còn được bao nhiêu, ở chỗ nào hiện nay? Rừng ngập nước ở đồng lũ Đồng Tháp Mười và đồng lũ Tứ giác Long Xuyên hầu như đã biến mất nhường chỗ cho canh tác lúa.

+ “Trữ nước trong mùa lũ trên ô đồng ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười”? Một chủ trương quan trọng của NQ 120 là giảm diện tích lúa vụ ba, cho nước vào ruộng một thời gian vào mùa lũ để đón nhận phù sa đồng thời làm vệ sinh đồng ruộng, được áp dụng đồng loạt đầy hứng khởi một năm, sau đó diện tích vụ ba tăng trở lại. Bởi lẽ chỉ tiêu kế hoạch từ trên giao xuống vẫn là bộ ba “diện tích, năng suất, sản lượng” phấn đấu năm sau cao hơn năm trước, như không hề có chủ trương đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp trong NQ 120.

+ “Trữ nước trên hệ thống kênh rạch, nhánh sông lớn, ao hồ nhỏ đi kèm với các giải pháp vận hành đóng mở các công trình điều tiết nước phù hợp”. Ghi vào QH 287 một cách dễ dãi, mơ hồ, lớn nhỏ trộn lẫn nhưng hàm chứa nhiều hệ lụy, vì được ghi vào quy hoach sẽ mở đường cho việc xúc tiến xây dựng cống trên các nhánh sông Tiền, sông Hậu.

QH 287 dùng rất nhiều lần, các cụm từ “thoát lũ”, “trữ lũ”, “thoát nước”, “trữ nước”. Thống kê lại thì thấy khi nước ở thượng nguồn về, mô hình sản xuất nông nghiệp cần đồng ruộng khô thì đóng cống, thoát lũ. Vào mùa khô thiếu nước ngọt thì giải pháp là “trữ lũ”, “trữ nước”.

Giữa thoát và trữ có quan hệ mật thiết với nhau, không thể chỉ theo tình huống mà đề xuất. Cần xem xét thêm tính thống nhất và nhất quán trong các phương hướng thoát và trữ trong QH 287.

Dễ dãi đưa vào QH 287 nhưng lại để sót nhiều chỗ trống đang là những bức xúc lớn của vùng!

+ Nước ngọt cho vùng mặn ở đồng bằng là một vấn đề hệ trọng hàng đầu không chỉ về kinh tế, xã hội và còn về an ninh quốc phòng. Tỷ lệ di cư thuần của vùng đồng bằng sông Cửu Long cao nhất nước, của các tỉnh ven biển lại cao nhất vùng.

Thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất, người dân khai thác nước ngầm. Để hạn chế sụt lún, QH 287 yêu cầu quản lý chặt chẽ việc khai thác, nhưng không có giải pháp gì khác ngoài đặt đường ống dẫn nước ngọt về, và trữ nước mưa. Dẫn về đến đâu, từ nguồn nào, và đáp ứng được bao nhiêu % nhu cầu? Không có số liệu.

Trong khi đó QH 287 ghi rõ: “Nước dưới đất là nguồn dự phòng chủ yếu”, “tăng cường các biện pháp bổ sung nhân tạo nước dưới đất” (trang 29). Bổ sung từ đâu, bao nhiêu? Không có bất cứ thông tin nào.

Thủy lợi cho vùng mặn là điều mà Bộ NN-PTNT đã hứa và nợ người dân đồng bằng ít nhất là từ năm 2001. Xin trích trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tại kỳ họp thứ 9, khóa X, sáng ngày 16/6/2001:

“(…) Vì thế theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đã, đang làm quy hoạch lại bán đảo Cà Mau và giao cho Viện Khoa học thủy lợi làm và đã trình dự án đầu tư. Đúng như đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Trân đã phát hiện, đây mới là dự án thôi, chúng tôi chưa duyệt; khi duyệt, chúng tôi phải mời các cơ quan thẩm định thêm, nhưng tôi đảm bảo cái đó phải mở rộng tầm nhìn tức là phải kết hợp giữa nông nghiệp và ngư nghiệp, giữa lúa và tôm và vấn đề môi trường thì chúng ta mới giải quyết tốt được. Chúng tôi cố gắng, sau hội nghị này sẽ có tư duy mới hơn xung quanh vấn đề này”.[6].

(5) Về tầm nhìn đến năm 2050 trong QH 287

Không có đoạn nào trong QH 287 cho thấy cách làm đi từ Tầm nhìn đến năm 2050 đến các Chương trình, dự án ưu tiên thực hiện.

Nói đến Tầm nhìn đến năm 2050, về môi trường tự nhiên, bắt buộc phải tính đến sụt lún tự nhiên (nền đất đồng bằng sông Cửu Long rất yếu), sụt lún gia tốc do khai thác nước ngầm và do chính các dự án công trình mà quy hoạch xây dựng, gây nên. Còn phải tính đến nguồn nước sông Mekong và sông Bassac về đồng bằng, có còn theo mùa hay không, khối lượng bao nhiêu, hàm lượng trầm tích ra sao. Và tất cả đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng. Không thấy tiếp cận nào như vậy trong QH 287.

Với Tầm nhìn đến năm 2050 không thể không nói đến tiến bộ khoa học và công nghệ. Cụm từ “khoa học công nghệ” được nói đến 2 lần, ở trang 2 trong Quan điểm phát triển, ở trang 3 trong Tầm nhìn, và trong Giải pháp về khoa học và công nghệ, 7 dòng ở trang 33.

Giải pháp về khoa học và công nghệ tập trung vào hai hướng: (a) Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh học, nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp; (b) Về năng lượng, chuyển từ sản xuất điện than sang điện khí hóa lỏng, khí đốt tự nhiên và năng lượng tái tạo.

Cách đặt vấn đề Khoa học và công nghệ của QH 287 là khá hạn hẹp, nhất là với Tầm nhìn đến năm 2050 và bối cảnh các cuộc cách mạng công nghiệp kế tiếp, gối đầu lên nhau trong những năm gần đây. Cần có những bổ sung căn cơ hơn.

Với Tầm nhìn đến năm 2050 không thể không nói đến nguồn nhân lực nhất là khi đây là một trong hai điểm nghẽn cơ bản đối với phát triển bền vững của vùng.

Cụm từ “nguồn nhân lực” được nói đến 4 lần trong QH 287, ở trang 3, trong Mục tiêu tổng quát, ở trang 26 trong Kết cấu hạ tầng xã hội, ở trang 27 trong Bảo tồn đa dạng sinh học, ở trang 29 trong Định hướng nguồn nước dự phòng, và trong Giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong 14 dòng ở trang 34.

Giải pháp phát triển nguồn nhân lực tập trung vào 4 hướng: (a) Phục vụ phát triển các ngành lợi thế của vùng(b) Tăng cường thu hút số lao động trẻ có trình độ chuyên môn, tay nghề; (c) Mở rộng các trung tâm giáo dục; (d) Tăng cường đầu tư vào giáo dục tiểu học, trung học ở nông thôn, nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

Vấn đề căn cơ nhất là phải giải quyết vấn đề vùng trũng về giáo dục của đồng bằng trong Tầm nhìn đến năm 2050. Rất tiếc là không có một chương trình, dự án nào để thoát ra vùng trũng, phát triển nguồn nhân lực cho vùng.

Kiến nghị

Trong phần Nhận xét trên đây ở mỗi nội dung đều có những câu hỏi, đề xuất và kiến nghi. Trong Phần này, nhìn khái quát toàn văn bản QH 287, có bốn nhận xét chung và kiến nghị sau đây.

(1) Nếu không có bộ bản đồ và cơ sở dữ liệu đi kèm, và không thể hiện rõ nguồn lực để thực hiện, thì văn bản được phê duyệt trong Quyết định 287/QĐ-TTg chưa phải là một quy hoạch theo Luật Quy hoạch 2017.

Kiến nghị thứ nhấtPhải công bố các bản đồ, cơ sở dữ liệu, và nguồn lực phải bảo đảm để thực hiện Quy hoạch.

(2) Văn bản được phê duyệt đã bỏ qua một Quan điểm chỉ đạo của NQ 120, cắt xén chủ trương và định hướng chiến lược phát triển đồng bằng sông Cửu Long của NQ 120 “coi nước lợ, nước mặn cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế”.

Ngoài việc bỏ qua và cắt xén như vậy sẽ làm tổn hại đến chất lượng của quy hoạch vùng, đến phát triển vùng, xét dưới góc độ ban hành các văn bản pháp quy, làm như vậy là vi phạm tính phù hợp và tính thống nhất trong hệ thống văn bản pháp quy, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là văn bản cấp thấp hơn Nghị quyết của Chính phủ.

Xin nhắc lại là Nghị quyết 120/CP đã được đúc kết từ một hội nghị của toàn vùng do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, đã được các thành viên Chính phủ thảo luận và biểu quyết, và là một căn cứ của Quyết định 287/QD-TTg.

Kiến nghị thứ haiCần giám sát quy trình ban hành Quyết định 287/QD-TTg dưới góc độ quy chế ban hành văn bản pháp quy.

(3) Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long đã nhận được sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới, trong khung khổ Tiểu Dự án 6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Bên Tiếp nhận.

Kiến nghị thứ baBộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo đầy đủ, công khai về việc tiếp nhận Tiểu Dự án 6, trong đó có Mekong Delta Integrated Regional Plan và phương pháp luận tích hợp đa ngành mà Liên danh tư vấn thực hiện.

(4) Theo suy nghĩ của tác giả, việc bỏ qua một Quan điểm chỉ đạo và thay đổi Chủ trương và định hướng chiến lược là có thể nếu thực sự điều này là cần thiết, nhưng phải bằng một nghị quyết của Chính phủ, trước đó phải trình bày tại một hội nghị khoa học mà thành phần tương tự như Hội nghị Cần Thơ năm 2017, lý do và chứng minh sự cần thiết để quy hoạch vùng tốt hơn, và nhận được sự đồng thuận. Rất tiếc đó không phải là cách đã làm.

[1] Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học, Chủ nhiệm Chương trình nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long (1983-1990), Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI.

[2] Số trang, số dòng được tinh theo văn bản tải về từ Cổng Thông tin điện tử Chính phủ ngày 4/3/2022, https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=205414

[3] Terms of reference Ref.: MPI-PMU-SC01-QCBS, Consulting service: Development of Vietnam Mekong Delta Integrated Master Plan to 2030, with Vision towards 2050

[4] (a) 2021 Biến động đáy sông Hậu dọc luồng Trần Đề (vnulib.edu.vn), (b) 2021, Luồng hàng hải Trần Đề: Cần khách quan, tôn trọng quy luật (vnulib.edu.vn)

[5] (a) 2019, Luồng Kênh Quan Chánh Bố, bài học và kiến nghị (vnulib.edu.vn); (b) 2021, Càng khẳng định dự án Luồng sông Hậu không khả thi (vnulib.edu.vn)

[6] Nguyễn Ngọc Trân, 2020, Thủy lợi và Nghị quyết 120/NQ-CP (vnulib.edu.vn).

Bình luận