: TVO 24H: 2024-04-21 12:47:43

Lượt xem: 272

Phát triển bền vững với chương trình Việt Nam Xanh

Ngày 20-4, báo Tuổi Trẻ chính thức công bố chương trình Việt Nam Xanh với hàng loạt hoạt động lớn sẽ diễn ra liên tục thời gian tới.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất tại TP.HCM đã chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải và dùng các nguyên liệu tái chế. Trong ảnh: công nhân sản xuất tại Công ty CP dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công ở TP.HCM - Ảnh: NGỌC HIỂN

Nhiều doanh nghiệp sản xuất tại TP.HCM đã chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải và dùng các nguyên liệu tái chế. Trong ảnh: công nhân sản xuất tại Công ty CP dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công ở TP.HCM - Ảnh: NGỌC HIỂN

Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) cùng các đơn vị xây dựng và triển khai.

Sự kiện mở đầu cho dự án Việt Nam Xanh là hội thảo "Thị trường tín chỉ carbon - Động lực xây dựng Việt Nam Xanh" đã mổ xẻ hàng loạt vấn đề liên quan đến hành lang chính sách để hình thành thị trường giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam.

Nhiều hoạt động hướng đến phát triển bền vững

Nhà báo Lê Thế Chữ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, khẳng định chương trình Việt Nam Xanh sẽ diễn ra liên tục trong nhiều năm với hàng loạt hoạt động trên báo và sau mặt báo.

Trong đó, báo Tuổi Trẻ sẽ tổ chức các hội thảo, tọa đàm về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Bên cạnh đó Tuổi Trẻ sẽ phát động các chiến dịch tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

Trong khuôn khổ chương trình, ban tổ chức sẽ công bố các giải thưởng cho các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đồng thời Tuổi Trẻ sẽ tổ chức các hoạt động trải nghiệm, giáo dục môi trường.

Ông Chữ cho rằng trước những thách thức của biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều hệ lụy, báo Tuổi Trẻ thực hiện chương trình nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Bên cạnh đó chương trình nhằm khuyến khích các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp áp dụng các giải pháp sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường. Đặc biệt chương trình cũng sẽ biểu dương, lan tỏa những cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp có mô hình, sản phẩm hướng đến phát triển bền vững.

Nhà báo Trần Xuân Toàn, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, trưởng ban dự án Việt Nam Xanh, cho biết chương trình Việt Nam Xanh bao gồm chuỗi hoạt động như: Diễn đàn Việt Nam Xanh, Thành phố Xanh của tôi, Cuộc thi "Tái tạo xanh", Chương trình tham quan Nhà máy Xanh, Ngày hội Việt Nam Xanh (ngày hội tái chế)...

Ban tổ chức cũng sẽ phối hợp các doanh nghiệp thực hiện các tour tham quan mô hình sản xuất tuần hoàn, giúp người dân hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất sản phẩm của doanh nghiệp.

Ông Toàn kỳ vọng chương trình Việt Nam Xanh sẽ là nơi tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức khoa học - chính trị, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp... cùng tham gia các diễn đàn, hội thảo, triển lãm trưng bày các mô hình sản xuất tiết kiệm năng lượng, kinh tế tuần hoàn, phát triển thị trường tín chỉ carbon, tín dụng xanh, các sản phẩm tái chế... nhằm hướng đến nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.

Nghi thức công bố dự án Việt Nam Xanh - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nghi thức công bố dự án Việt Nam Xanh - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các doanh nghiệp đồng hành với Việt Nam Xanh

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, chủ tịch PRO Việt Nam, đồng thời là cố vấn dự án, nhấn mạnh dự án này nhằm hưởng ứng các hoạt động vì môi trường, phát động và truyền tải các thông điệp của chiến dịch Việt Nam Xanh đến cộng đồng.

Trong quá trình phát triển, các doanh nghiệp ý thức rằng doanh số tạo ra cần phải đi cùng trách nhiệm phát triển bền vững. Chuyển đổi xanh để hướng tới nền kinh tế tuần hoàn phát triển bền vững là hành trình dài hơi và còn nhiều thách thức.

Trong công cuộc này, vai trò của các đơn vị truyền thông và báo chí là vô cùng quan trọng, góp phần thay đổi nhận thức và là tiền đề tạo thay đổi hành động cho cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Ông Trai tin tưởng dự án Việt Nam Xanh do báo Tuổi Trẻ khởi xướng sẽ kết nối Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng để mang lại những giá trị tích cực.

"Mục tiêu của dự án rất đồng điệu và phù hợp với mục tiêu chiến lược của PRO Việt Nam. Do đó PRO Việt Nam sẽ đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ xuyên suốt quá trình triển khai dự án", ông Trai chia sẻ.

Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết các doanh nghiệp ngành xây dựng, bất động sản đã và đang chú trọng đến phát triển xanh, phát triển bền vững. Do đó các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng sẽ đồng hành với chương trình Việt Nam Xanh để thúc đẩy nền kinh tế xanh, giảm phát thải.

Trong khi đó, bà Nguyễn Trình Thùy Trang, giám đốc nội vụ Công ty cổ phần xây dựng Coteccons, cho rằng doanh nghiệp này cũng áp dụng nhiều giải pháp để giảm phát thải và cùng với các đối tác, nhà thầu phụ thực hiện các cam kết về môi trường.

Ở góc độ đơn vị cung cấp vốn, ông Trần Hoài Phương, giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp HDBank, cho hay ngân hàng luôn có nguồn vốn để tài trợ các dự án xanh, năng lượng tái tạo... để đồng hành với các doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xanh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Văn Việt, phó chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM, cho hay chương trình Việt Nam Xanh sẽ là cầu nối để doanh nghiệp trong ngành tham gia, áp dụng các mô hình chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải và hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn trong từng doanh nghiệp.

Quần áo tại một doanh nghiệp dệt may lớn ở TP.HCM dùng nguyên liệu từ nhựa tái chế, mía, ngô, vải tái chế... để xuất khẩu sang Nhật Bản, EU với thời gian phân hủy nhanh - Ảnh: NGỌC HIỂN

Quần áo tại một doanh nghiệp dệt may lớn ở TP.HCM dùng nguyên liệu từ nhựa tái chế, mía, ngô, vải tái chế... để xuất khẩu sang Nhật Bản, EU với thời gian phân hủy nhanh - Ảnh: NGỌC HIỂN

 
Phát triển bền vững với chương trình Việt Nam Xanh- Ảnh 4.

 

*"Báo Tuổi Trẻ tin tưởng rằng với sự chung tay góp sức của toàn xã hội, chương trình Việt Nam Xanh sẽ góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng và doanh nghiệp về bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững. Mỗi hành động nhỏ bé của mỗi cá nhân đều góp phần tạo nên sự thay đổi lớn lao. Hãy chung tay cùng chúng tôi để bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta và cho thế hệ tương lai".

Nhà báo Lê Thế Chữ (tổng biên tập báo Tuổi Trẻ)

 

 

Phát triển bền vững với chương trình Việt Nam Xanh- Ảnh 5.

 

* "Để giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất xanh, góp phần thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh trong cộng đồng, PRO Việt Nam sẽ phối hợp Tuổi Trẻ triển khai chương trình tham quan mô hình sản xuất tuần hoàn, tái chế hiệu quả của các doanh nghiệp, từ đó tạo sự kết nối giữa người tiêu dùng với những doanh nghiệp xanh, hướng người tiêu dùng tới những sản phẩm xanh".

Ông Phạm Phú Ngọc Trai (chủ tịch PRO Việt Nam)

Phát triển bền vững với chương trình Việt Nam Xanh- Ảnh 6.

 

* "Điều quan trọng nhất trong lộ trình Net Zero là cần phải có những thông tin đầy đủ, chính xác từ cơ quan quản lý nhà nước để các doanh nghiệp làm tốt hơn. Tôi đánh giá cao báo Tuổi Trẻ và PRO Việt Nam đã tổ chức các hội thảo, làm cầu nối giữa cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp. Tôi cũng đánh giá cao dự án Việt Nam Xanh khi có rất nhiều sự kiện quan trọng và thú vị, phục vụ cho việc xây dựng chính sách như Diễn đàn Việt Nam Xanh, Cuộc thi "Tái tạo Xanh", Thành phố Xanh của tôi, Ngày hội Việt Nam Xanh, tham quan nhà máy, các hội thảo...".

Ông Nguyễn Tuấn Quang (phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Sớm có cơ chế về tín chỉ carbon

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Tuấn Quang, phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tại hội thảo "Thị trường tín chỉ carbon - Động lực xây dựng Việt Nam Xanh" tổ chức ngày 20-4.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang sửa đổi nghị định 06 quy định về quản lý tín chỉ carbon để tạo hành lang chính sách cho mua bán tín chỉ carbon, đảm bảo cho các doanh nghiệp Việt Nam không bị thiệt thòi khi tham gia thị trường.

Tháng 7 trình nghị định sửa đổi

Để đạt mục tiêu giảm phát thải bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, ông Quang cho rằng cần có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế và các định chế tài chính, hiện Việt Nam đang thực hiện năm biện pháp chính. Đầu tiên là chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, sạch... Thứ hai, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất, nông nghiệp. Thứ ba, tăng tỉ lệ hấp thụ rừng và các hệ sinh thái. Thứ tư, áp dụng các biện pháp, thu giữ và chôn lấp carbon, biện pháp này tốn kém so với các cách thức khác. Thứ năm, định giá carbon, trong đó gồm thuế carbon và phát triển thị trường carbon.

Ông Quang cho rằng muốn bán tín chỉ carbon, trước tiên phải đảm bảo mục tiêu phát thải khí nhà kính của quốc gia mà chúng ta đã cam kết. Như trường hợp tín chỉ rừng ở Bắc Trung Bộ, phải có cơ chế 95% kết quả chuyển nhượng được chuyển giao lại cho Việt Nam để đóng góp vào cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính (NDC).

Với thị trường carbon Việt Nam, ông Quang cho hay từ trước đến nay vẫn thực hiện giao dịch tự nguyện theo các tiêu chuẩn, nhưng thị trường bắt buộc vẫn đang còn xây dựng với lộ trình 2025 - 2027 sẽ thí điểm và đến 2030 sẽ vận hành chính thức thị trường giao dịch carbon. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang sửa đổi nghị định 06 để đảm bảo các doanh nghiệp Việt Nam có lợi, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng được lợi mà Nhà nước cũng có lợi.

"Tháng 7 này chúng tôi sẽ trình nghị định 06 sửa đổi, trong đó quy định rõ các tiêu chuẩn tín chỉ carbon trong nước, hướng dẫn quy trình xây dựng dự án để có tín chỉ carbon, quy trình phê duyệt, ban hành tín chỉ carbon rất chặt chẽ để đảm bảo các doanh nghiệp trong nước, ngoài nước đều có lợi, Nhà nước không bị thất thoát", ông Quang khẳng định.

Tiềm năng trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng của Việt Nam là rất lớn - Ảnh: C.TUỆ

Tiềm năng trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng của Việt Nam là rất lớn - Ảnh: C.TUỆ

Định mức giá kỳ vọng phù hợp

Liên quan giá tín chỉ carbon, ông Nguyễn Văn Minh, trưởng phòng kinh tế và thông tin biến đổi khí hậu - Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho hay giá tín chỉ carbon ở các quốc gia dao động rất lớn, có quốc gia chỉ 1 USD cho 1 tấn carbon, song cũng có quốc gia bán giá 140 USD cho 1 tấn. 

Theo ông Minh, dư luận đặt vấn đề tại sao Việt Nam bán tín chỉ carbon giá rẻ (5 USD/tín chỉ carbon) nhưng châu Âu lại có thời điểm bán đến 100 USD mỗi tín chỉ carbon nhưng thực chất phía châu Âu trao đổi đơn vị hạn ngạch tấn CO2, không phải là tín chỉ carbon. 

"Tín chỉ carbon về cơ bản chủ yếu giao dịch trên thị trường carbon tự nguyện, giá gần đây tôi kiểm tra chỉ dao động 1 - 2 USD tùy loại tín chỉ carbon", ông Minh thông tin thêm.

Bên cạnh đó ông Minh cũng cho hay giai đoạn 2008 - 2012, giá lên đến 30 USD/tín chỉ carbon. Tuy nhiên, giai đoạn 2013 - 2020 là giai đoạn "khoảng trống" khi nhiều quốc gia không tham gia cam kết về giảm phát thải vì cho rằng quốc gia này làm, quốc gia khác không làm là bất công bằng. Điều này kéo theo giá tín chỉ carbon giảm mạnh, chỉ còn vài USD.

Trong khi đó, TS Phạm Văn Đại, giảng viên cao cấp Trường chính sách công và quản lý Fulbright, cho hay rất khó xác định giá 5 USD/tín chỉ carbon là cao hay thấp vì đây là giá thị trường. Bản thân tín chỉ carbon cần được xem như là tài nguyên quốc gia, không phải tài nguyên vô tận hay tái tạo được. 

Theo ông Đại, giá tín chỉ carbon có thể lên đến 200 - 300 USD/tín chỉ và điều này chỉ đạt được khi chất lượng tín chỉ carbon được xác thực với các thông tin về bản chất của dự án cũng như chi phí bỏ ra để thực hiện.

"Tôi cho rằng Việt Nam cần quy hoạch tín chỉ carbon như dạng tài nguyên cần bảo vệ. Thứ hai là cần xem xét hình thành quỹ dự trữ tín chỉ carbon cho doanh nghiệp Việt Nam để sau này, khi tham gia chứng chỉ toàn cầu, các doanh nghiệp không phải mua giá quá cao", ông Đại đề xuất.

Gỡ vướng cho thị trường carbon

Ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết trong năm 2024 sẽ triển khai nhiều nội dung của nghị quyết 98 liên quan tín chỉ carbon, trong đó phối hợp với các sở, ngành có liên quan chuẩn bị hỗ trợ cho việc vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng.

Tuy nhiên, việc triển khai còn gặp những thách thức, đặc biệt trong khối công do thiếu hành lang pháp lý chi tiết cho các hoạt động tính toán, đánh giá và thẩm định tín chỉ carbon cản trở việc thực hiện hiệu quả.

Thiếu một môi trường mua bán rộng rãi và hiệu quả, đặc biệt là kết nối với các thị trường quốc tế, nơi tín chỉ có thể được bán với giá cao.

Đồng thời, hầu hết các nội dung trong quá trình tạo lập, tính toán giá và bán tín chỉ carbon đều phụ thuộc vào các tổ chức nước ngoài nên việc đánh giá và giao dịch tín chỉ có thể ảnh hưởng đến giá trị và sự chủ động của các dự án trong nước.

Cảm ơn các đơn vị phối hợp, hỗ trợ

Dự án "Việt Nam Xanh" 2024 với đa dạng các hoạt động truyền thông - sự kiện như: Diễn đàn Việt Nam Xanh, Thành phố xanh của tôi; Cuộc thi "Tái tạo xanh"; Chương trình tham quan "Nhà máy Xanh"; Ngày hội Việt Nam Xanh (ngày hội tái chế), diễn ra xuyên suốt từ đây đến tháng 9-2024.

Ban tổ chức trân trọng cảm ơn sự tham gia đóng góp ý kiến, chia sẻ của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp đồng hành với chương trình: Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn TH True Milk, Nestlé Việt Nam, Tapetco, Công ty Faslink, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam, Vinamilk, Forest Trends, Đại học Fulbright VN...

Nguồn: Tuổi Trẻ
Bình luận