: TVO 24H: 2024-09-10 14:54:04

Lượt xem: 253

Nỗi lo lũ cát ở Phan Thiết

Lũ cát liên tục xảy ra trên đường ven biển Phan Thiết khiến người dân thiệt hại nhà cửa, tài sản, sống bất an, lo cát lở chôn vùi.

Ngày 8/9, anh Võ Đại Đức, chủ quán ăn Sáu Lan 2 trên đường Nguyễn Thông, và người thân tiếp tục dọn dẹp hiện trường của vụ cát lở tràn vào hàng quán của gia đình cách đây ba ngày.

Hơn chục bàn và ghế bị dính cứng trong cát đã được đào bới lấy lên, một số vỡ nát dính cứng dưới lớp bùn khô chưa kịp lấy lên. Cửa kính, tủ lạnh, thiết bị điện và nhiều đồ đạc trong trong nhà hư hỏng.

Trước sân vườn và bên hè nhà, lớp cát đỏ dày hơn cả mét trên diện tích gần 1.000 m2 vẫn chưa dọn hết. Cả trăm khối cát được đào ra, ùn thành đống cao quá đầu người vẫn còn nằm đó, chưa thể chuyển đi nơi khác vì khối lượng quá lớn.

Anh Đức (thứ 2 từ trái qua) cùng một số người kéo xe máy bị cát vùi lấp lên. Ảnh: Việt Quốc

Anh Đức (thứ 2 từ trái qua) cùng một số người kéo xe máy bị cát vùi lấp lên. Ảnh: Việt Quốc

Gia đình cho biết đã tốn rất nhiều công tốn sức để xử lý lượng cát ập vào quán và khu nhà ở phía sau. Chưa dọn xong đợt này lại xảy ra thêm đợt khác. Năm ngoái, chủ quán bỏ ra hơn 100 triệu đồng để sửa chữa nhà cửa, hàng quán, làm kiềng cao một mét để ngăn nước lũ và cát tràn vào.

"Năm nay mức độ càng khủng khiếp hơn, kiềng cao như vậy, mà lũ cát nó vẫn tràn lên, đi ra sau nhà", anh Đức nói.

Trận lũ cát hôm 5/9 trên đường Nguyễn Thông cũng khiến cô gái 20 tuổi suýt mất mạng sau khi bị cuốn trôi hơn 200 m.

Cách điểm này khoảng 13 km, ông Nguyễn Tiến Dũng, sống trên đường Huỳnh Thúc Kháng (phường Mũi Né), nơi dưới chân đồi có dự án Sentosa Villa cũng không khỏi lo âu mỗi khi trời đổ mưa.

Hồi tháng 5, tại đây cát từ trên đồi ập xuống tràn ra đường trước nhà ông. Ôtô 16 chỗ và nhiều xe máy bị vùi lấp, tài xế cùng người qua đường kịp thoát thân. Cát tràn qua khu nhà hàng bên đường, ảnh hưởng hoạt động kinh doanh tại đây.

Ông Dũng cho biết lúc trước khi dự án chưa làm, ngọn đồi còn cây cối chưa bị tác động, ở đây chưa bao giờ xảy ra tình trạng này, cuộc sống người dân rất bình yên. Nhưng nay gia đình ông cũng như hàng xóm luôn sống trong tâm lý bất ổn, lo sợ cát lở có thể ập xuống bất cứ lúc nào.

"Mỗi lần trời đổ mưa, gia đình tôi ăn không ngon, ngủ không yên, nơm nớp lo sợ, dù cho họ đã xử lý tạm ở trên đó", ông Dũng nói.

Ngược về phía nam, ở xã Tiến Thành (TP Phan Thiết), nơi có dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng rộng cả 1.000 ha đang thi công dang dở trên đồi cao. Người dân thôn Tiến Phú vẫn chưa hết lo sợ.

Hồi tháng 10 năm ngoái, nơi đây đã xảy ra tình trạng nước lũ từ trên đồi kéo theo cát đỏ ập xuống đường ven biển ĐT 719. Hơn chục nhà dân bị cát tràn vào, uy hiếp tính mạng. Giao thông qua đây bị ách tắc. Phải mất nhiều giờ, lực lượng chức năng mới dọn dẹp xong lượng cát tràn trên đường.

Căn nhà chị Nguyễn Thị Bích Trâm (xã Tiến Thành) ngập ngụa trong bùn cát, tháng 10/2023. Ảnh: Việt Quốc

Căn nhà chị Nguyễn Thị Bích Trâm (xã Tiến Thành) ngập ngụa trong bùn cát, tháng 10/2023. Ảnh: Việt Quốc

Quán tạp hoá và căn nhà của chị Nguyễn Thị Bích Trâm (46 tuổi) bị thiệt hại nặng nhất trong thôn. Tiền mặt, hàng hoá trong quán bị cuốn trôi, chìm trong cát lũ. Bàn ghế, giường ngủ, tủ thờ, tủ đông và nhiều đồ đạc trong nhà bị ngâm nước hư hỏng sạch. Tổng thiệt hại hơn 200 triệu đồng, đến nay vẫn chưa được bồi thường, hỗ trợ, dù chị nhiều lần gửi đơn lên xã.

Sau trận lũ cát kinh hoàng đó, gia đình chị Trâm vì quá lo sợ cho tính mạng, nên đã bán căn nhà trên đường 719 cho chủ khách sạn ở địa phương. Cả gia đình chị đưa nhau lên trên xóm rẫy, cách đó khoảng 8 km, mua đất cất căn nhà mới để an cư.

"Sau đợt đó, đêm nào ngủ cũng không yên, nên gia đình quyết định bán nhà rời đi", chị Trâm cho hay.

Ba khu vực thường xuyên lũ cát trên tuyến đường dọc biển. Ảnh: Đăng Hiếu

Ba khu vực thường xuyên lũ cát trên tuyến đường dọc biển. Ảnh: Đăng Hiếu

Hồi tháng 6, sau khi kiểm tra thực tế, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đã xác định trên địa bàn có 14 dự án và công trình xây dựng trên đồi cao có nguy cơ gây sạt lở, ảnh hưởng người đi đường và nhà dân.

Cơ quan này đã yêu cầu các chủ đầu tư phải rà soát hồ sơ thiết kế và hạng mục công trình thuộc dự án, có giải pháp bảo vệ môi trường. Ngoài ra các chủ đầu tư phải lập tổ ứng phó nhanh sự cố tại chỗ để chủ động xử lý, không để xảy ra tình trạng cát tràn xuống đường khi mưa lớn.

Đối với điểm sạt lở mới xảy ra tại đường Nguyễn Thông, nguyên nhân được xác định do hệ thống thoát nước cửa số 1 ở phía hạ lưu thi công chưa xong. Nước từ các dự án bất động sản trên đồi và nước mặt đường 706B tràn dồn xuống, chưa thể đấu nối vào cống thoát, đổ ra khu đất trống, tạo thành dòng lũ tràn qua đường và nhà dân.

Ông Lê Văn Chơn, Phó chủ tịch UBND TP Phan Thiết cho biết, hiện nay để đảm bảo an toàn tính mạng con người, mỗi khi có mưa, thành phố sẽ cắt cử lực lượng dựng barie chắn ở hai đầu, cấm các xe qua lại. Khi có cát tràn, lực lượng cùng các phương tiện ứng trực sẽ đến dọn dẹp ngay hiện trường, di chuyển đất cát đọng trên đường đi nơi khác, tránh gây ùn tắc nhiều giờ.

TP Phan Thiết cho thi công rọ đá  cao 0.5m rộng 1 m, trên chiều dài 30 m tại điểm xảy ra lũ cát trên đường Nguyễn Thông, phường Phú Hài, chiều 7/9. Ảnh: Việt Quốc

TP Phan Thiết cho thi công rọ đá cao 0.5m rộng 1 m, trên chiều dài 30 m tại điểm xảy ra lũ cát trên đường Nguyễn Thông, phường Phú Hài, chiều 7/9. Ảnh: Việt Quốc

Về giải pháp trước mắt, TP Phan Thiết đang triển khai việc ngăn dòng, nước, cát trên đầu nguồn để hạn chế nước, cát tràn xuống đường Nguyễn Thông; đồng thời dùng các biện pháp như bao cát, rọ đá để ngăn nước. Công việc này đã được triển khai chiều 7/9.

"Về lâu dài, chúng tôi đã đề nghị chủ đầu tư dự án thoát nước cửa số 1 khẩn trương hoàn thành công trình để xử lý tình trạng cát tràn tại đây", ông Nhơn nói.

Hệ thống thoát nước cửa số 1 tại phường Phú Hài, TP Phan Thiết, do Ban quản lý Dự án các công trình công nghiệp và dân dụng tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư, thi công từ năm 2012. Do vướng mặt bằng của hai hộ dân ở hạ lưu gần chỗ đấu nối ra biển (cách vị trí xảy ra lũ cát chừng 600 m), nên còn khoảng 130 m chưa làm xong, chưa thể đấu nối toàn tuyến.

Được sự thống nhất của UBND TP Phan Thiết, chủ đầu tư đang khắc phục bằng cách cho xây cống dịch ra vỉa hè, thay vì lùi vào 3 m trong khu đất của các hộ dân chưa thỏa thuận được giải tỏa mặt bằng. "Chúng tôi quyết tâm đến cuối tháng 9 sẽ hoàn thành", ông Nguyễn Minh Nguyên, Phó giám đốc Ban quản lý Dự án các công trình công nghiệp và dân dụng Bình Thuận cho hay.

Nguồn: Vnexpress

Bình luận