: TVO 24H: 2021-06-20 09:45:02

Lượt xem: 2512

Những lưu ý khi cho tư nhân mua vaccine Covid-19

Chuyên gia trường Fulbright nhấn mạnh, lượng vaccine do tư nhân huy động phải là nguồn bổ sung, tránh cạnh tranh với nguồn chính thức của nhà nước.

Việt Nam đặt mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng trong năm 2021 với khoảng 150 triệu liều tiêm. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam nhận được 2,5 triệu liều vaccine AstraZeneca trên tổng 38,9 triệu liều mà Covax cam kết. Số liệu cũng ghi nhận, chỉ khoảng 2% dân số được tiêm lần 1 và 0,1% tiêm lần 2. Trong khi đó, dịch bệnh lần thứ tư đang lan rộng trên cả nước.

"Vaccine về Việt Nam quá nhỏ giọt, đúng thời điểm Việt Nam đang bùng phát dịch. Áp lực nhiều nên cần mở cửa cho tư nhân có thể tham gia", ông Nguyễn Xuân Thành giảng viên cao cấp của Fulbright nhấn mạnh tại toạ đàm về mở rộng nguồn tiếp cận vaccine Covid-19 sáng 19/6. Việt Nam cũng không phải là nước duy nhất cho phép tư nhân tham gia vào hoạt động này. Các quốc gia như Indonesia, Philippines cũng có động thái tương tự.

Tuy nhiên, tại toạ đàm này, các chuyên gia của Trường Chính sách công và quản lý Fulbright đã chỉ ra một số vấn đề khi cho tư nhân tham gia huy động vaccine.

Đầu tiên là câu chuyện liên quan đến tính pháp lý. Theo ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc chương trình thạc sĩ chính sách công của Fulbright, đây là việc chưa từng có tiền lệ trên thị trường hàng hoá đặc biệt này.

"Dù có định hướng mở cửa cho doanh nghiệp, địa phương tham gia nhưng khung khổ pháp luật, trách nhiệm giải trình, rủi ro cho quan chức, doanh nghiệp còn chưa rõ", ông Nghĩa nói.

Do vậy, ông cho rằng, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, Chính phủ cần ban hành quy định miễn trừ trách nhiệm cho các đơn vị tham gia phân phối, nếu vaccine đảm bảo chất lượng nhưng xảy ra phản ứng phụ. Nếu có sự cố, Chính phủ sẽ đứng ra bồi thường.

Vấn đề tiếp theo được ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên cao cấp của Fulbright lưu ý, là việc tránh cạnh tranh giữa luồng phân phối vaccine của nhà nước và tư nhân.

"Với nguồn cung cấp từ tư nhân, chúng ta phải chấp nhận có sự bất bình đẳng khi những doanh nghiệp này sẽ ưu tiên cho chính doanh nghiệp của họ. Để tránh gây tranh cãi sau này, nguồn đấy không được cạnh tranh với nguồn chính thức", ông Thành nói.

Ông Thành cũng nhấn mạnh, không lấy vaccine ưu tiên cho các đối tượng chính thức theo nguồn nhà nước để chuyển sang tư nhân. Vaccine do tư nhân cung cấp bản chất là nguồn bổ sung thêm, nếu không có cũng không ảnh hưởng. Điều này nhằm đảm bảo sự công bằng, đúng theo trình tự ưu tiên trong tiêm vaccine của toàn xã hội.

Đồng tình với ý kiến này, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright cho rằng, sự không tranh giành giữa luồng vaccine chính thức và luồng do doanh nghiệp tư nhân huy động là rất quan trọng.

"Nếu đảm bảo được điều này thì việc doanh nghiệp lo cho người lao động của mình sẽ giúp Chính phủ 'rảnh tay' hơn, có thêm nguồn lực dành cho các đối tượng ưu tiên theo chính sách", ông nói. Theo đó, hai nguồn này không loại trừ mà bổ sung cho nhau, với điều kiện có sự tách biệt.

Doanh nghiệp tư nhân tham gia vào tìm kiếm nguồn cung vaccine là điều cần thiết trong bối cảnh hiện tại khi Việt Nam đứng trước tình huống khẩn cấp cần số lượng lớn vaccine tiêm chủng trên diện rộng trong thời gian ngắn. Hiện có 36 doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu và bảo quản vaccine Covid-19 theo Bộ Y tế.

"Khả năng tiếp cận vaccine của Việt Nam bị hạn chế khi là nước thu nhập trung bình thấp, không có quyền mua trước như các nước giàu. Chúng ta muốn tiếp cận qua Covax nhưng kênh này cũng không đáng tin cậy", ông Tự Anh cho biết.

Các chuyên gia Fulbright cũng cho rằng, để duy trì được sự chủ động, dài hơi về vaccine phòng chống Covid-19, và xa hơn là những bệnh dịch khác có thể xuất hiện trong tương lai, vai trò chủ chốt vẫn là của nhà nước với nguồn tiền đến từ ngân sách. Bởi Quỹ vaccine hay việc doanh nghiệp tham gia chỉ thể hiện sự đồng thuận của xã hội, sự bổ sung thêm trong thời điểm nguy cấp. Do vậy, phía Fulbright khuyến nghị, hệ thống pháp luật, quản trị, đầu tư... của nhà nước phải có sự thay đổi tương ứng. Vai trò của nhà nước phải theo nghĩa kiến tạo, nâng đỡ tư nhân.

"Các hãng vaccine đều là doanh nghiệp tư nhân, nếu có là doanh nghiệp nhà nước cũng hoạt động theo cơ chế thị trường mà vai trò của đầu tư công đóng vai trò hỗ trợ. Nhà nước chấp nhận rủi ro nếu thất bại", ông Xuân Thành nói và nhấn mạnh, đầu tư công không phải nhà nước lập ra các chương trình rồi rót tiền ngân sách. Chúng ta cần cơ chế mới.

Phương Ánh/ Vnexpress

Bình luận