: TVO 24H: 2022-06-27 17:55:27

Lượt xem: 2270

Lái xe quên mang bảo hiểm: Nên cân nhắc bỏ quy định xử phạt

“Bản chất của bảo hiểm phát sinh trách nhiệm sau khi xảy ra tai nạn chứ không phải dùng cho việc tham gia giao thông. Do đó, không nên xử phạt hành vi không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới, mà chỉ phạt khi không mua bảo hiểm TNDS” - TS Tuyết Dung đề xuất.

Sáng 27-6, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã tổ chức Hội thảo “Cải cách pháp luật kinh doanh bảo hiểm – Hành trình sau 20 năm”.

Tại hội thảo, TS Phan Phương Nam, Phó trưởng Khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật TP.HCM đã chỉ ra những bất cập, hạn chế đang tồn tại trong Luật Kinh doanh bảo hiểm (KDBH) năm 2000 (được sửa đổi, bổ sung năm 2010, 2019) và dự thảo Luật KDBH sửa đổi (lần 5), đó là chưa giải thích về thuật ngữ giá trị hoàn lại, quyền lợi được bảo hiểm, chưa quy định chính xác về bảo hiểm trùng, về chuyển giao hợp đồng bảo hiểm con người…

PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật, đồng chủ trì Hội thảo. Ảnh: DƯƠNG HOÀNG

Trình bày tham luận, TS Thái Thị Tuyết Dung cho biết có rất nhiều lý do cho việc nhiều người không tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS và cần phải thay đổi, nhất là trình tự thủ tục để thực hiện chi trả bảo hiểm.

Một số doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ có dấu hiệu bán bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới không tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành. Từ đó, TS Dung có sáu đề xuất, cụ thể:

Thứ nhất, cần có một trang thông tin điện tử về dữ liệu bảo hiểm TNDS, đồng thời buộc các công ty bảo hiểm phải nhập dữ liệu khách hàng vào trang này. Khi đó, người tham gia giao thông, CSGT có thể tra cứu dữ liệu trực tuyến để xác minh tính chính xác.

Khi có dữ liệu này, thì đồng thời sửa đổi Nghị định 100/2019 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021) theo hướng không xử phạt hành vi không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới, mà chỉ phạt khi không mua bảo hiểm TNDS.

Lý giải cho đề xuất này, TS Dung cho biết, bản chất của bảo hiểm phát sinh trách nhiệm sau khi xảy ra tai nạn chứ không phải dùng cho việc tham gia giao thông.

Thứ hai, trong lĩnh vực KDBH, bỏ hình thức xử phạt cảnh cáo, vì hình thức xử phạt này quá nhẹ, không có ý nghĩa răn đe đối với DNBH vi phạm.

Thứ ba, cần bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm về công khai minh bạch của Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới để đảm bảo Quỹ này hoạt động hiệu quả và đúng ý nghĩa.

TS Thái Thị Tuyết Dung nêu sáu đề xuất tại hội thảo. Ảnh: MINH CHUNG

Thứ tư, cần nâng mức bồi thường và bổ sung chi trả hỗ trợ nhân đạo. Và điều quan trọng là cải thiện mức độ hấp dẫn của chế độ bảo hiểm… Đồng thời, pháp luật không nên quy định thời hạn cứng là một năm của hợp đồng bảo hiểm TNDS mà nên quy định linh hoạt theo hướng chỉ quy định thời hạn tối thiểu và tối đa. Điều này sẽ tạo sự chủ động cho người mua bảo hiểm, phù hợp với chiến lược, mục tiêu kinh doanh và khả năng quản lý của doanh nghiệp.

Thứ năm, yêu cầu các DNBH công khai mức thu, chi đối với bảo hiểm TNDS xe gắn máy để các cơ quan có thẩm quyền giám sát.

Thứ sáu, cần cải thiện sự minh bạch trong các tình huống vi phạm khi tham gia giao thông, để khi cơ quan chức năng vào cuộc, khi bảo hiểm làm việc, thì dễ dàng phân định đúng sai, mức độ lỗi của mỗi bên, từ đó mới có căn cứ xác định mức bồi thường nhanh chóng, thuận lợi.

Kết thúc phần tham luận, PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Nhung thông tin hội thảo đã nhận được rất nhiều tham luận chất lượng từ các chuyên gia. Hơn 100 diễn giả đã tham dự ở cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Theo MINH CHUNG - DƯƠNG HOÀNG (Pháp luật TPHCM)

Bình luận