: TVO 24H: 2022-05-17 06:20:51

Lượt xem: 2359

Khi trẻ nói “mẹ ơi cô giáo mắng con”, câu trả lời của cha mẹ có thể ảnh hưởng tới con sau này

Nếu trẻ bị cô giáo phê bình ở trường và về nhà méc mẹ, bạn sẽ phản ứng như thế nào?

Hiện nay, nhiều gia đình chỉ sinh 1 hoặc 2 con, vì thế con cái trong nhà được xem như “báu vật”. Ở trường học, không khó tránh khỏi có những lúc giáo viên buộc phải la mắng học sinh. Trước tình huống này, có người sẽ bênh vực con nhưng cũng có người đứng về phía giáo viên.

Giáo viên phê bình trẻ nhưng cha mẹ bênh vực con cái mù quáng

Cô Dương là giáo viên lớp 3, gần đây cô hay phàn nàn rằng công việc quá áp lực, dù yêu thích việc dạy học nhưng vẫn muốn nghỉ việc. Việc quản lý, dạy dỗ học sinh bây giờ gặp nhiều bất cập, còn liên quan tới thái độ của phụ huynh.

Cô kể lại rằng, sau khi học sinh làm xong bài tập, cô chấm bài và yêu cầu những em sai phải sửa lại cho đúng. Kết quả tất cả mọi người trong lớp đều sửa bài nhưng chỉ có 3 em học sinh không chịu nghe theo.

Sau đó, cô phê bình 3 em này trước lớp: “Các em bị làm sao vậy, có nghe lời cô nói không. Sao cô nói 2 lần mà các em vẫn không chịu sửa bài? Hay là não của các em có vấn đề?”.

Ảnh minh họa.

Ngày hôm sau, mẹ của 1 đứa trẻ trong số 3 em học sinh này tìm đến trường và đến thẳng phòng hiệu trưởng chất vấn. Người mẹ này nói rằng: “Con tôi về nhà và nói rằng, nó bị cô giáo ở lớp mắng là não có vấn đề. Có phải cô giáo nói như vậy không? Tại sao có thể mắng học sinh của mình như vậy. Thầy hiệu trưởng cần phải kỷ luật giáo viên như thế này”.

Đến ngày thứ 3, cô Dương vẫn cảm thấy mình nói không có gì quá đáng nhưng phía phụ huynh lại chỉ tập trung vào cụm từ “não có vấn đề”. Dưới áp lực từ phía nhà trường cùng với 2 phụ huynh còn lại, cô bị kỷ luật, trừ tiền thưởng và phải đứng ra xin lỗi.

Khi mọi chuyện dần trôi qua, những đứa trẻ này ngày càng trở nên vô kỷ luật trong lớp, thường xuyên ngủ gật, không làm bài tập, cô Dương hoàn toàn bất lực.

Trên thực tế, khi nghe con cái kể mình bị cô giáo phê bình, la mắng trên lớp, đương nhiên cha mẹ sẽ cảm thấy xót xa. Tuy nhiên, không thể vì thế mà bênh vực con cái một cách mù quáng. Nếu trẻ là người có lỗi, đương nhiên chúng cần bị phạt và cha mẹ cần hợp tác với giáo viên để tìm ra cách dạy dỗ trẻ.

Giáo viên phê bình trẻ, cha mẹ không quan tâm đúng sai đã vội mắng con

Trong trường hợp ngược lại, nếu trẻ bị giáo viên phê bình vì lý do nào đó, cha mẹ phớt lờ nỗi buồn của trẻ, điều này sẽ khiến chúng bị tổn thương thêm.

Anh Lý đã ngoài 30 tuổi nhưng chưa lập gia đình và rất hiếm khi về quê. Trong dịp Tết vừa qua, anh có gặp lại một số bạn cũ. Khi tâm sự chuyện trước đây, anh kể rằng lúc mình học cấp 2, điểm số rất tốt nhưng đã bỏ học vì tức giận. Nguyên nhân là bởi bức thư tình anh viết cho cô giáo đến tay thầy hiệu trưởng.

Ảnh minh họa.

Thầy hiệu trưởng không nói với anh câu nào mà ngay lập tức mời phụ huynh lên nói chuyện. Không biết 2 bên đã nói những gì với nhau nhưng sau khi mẹ của anh trở về nhà liền cho 2 cái bạt tai vào mặt cậu con trai. Cũng giống như cô giáo trên lớp, người mẹ liên tục mắng anh không chịu học hành, lo yêu đương sớm.

Trong cơn tức giận, anh đã nghỉ học và bỏ nhà đến Thâm Quyến làm việc. Trong nháy mắt nhiều năm trôi qua, anh rất hiếm khi về thăm nhà. Anh và mẹ mình có một khoảng cách rất lớn, không thể nói chuyện được. Trong lòng anh luôn cảm giác khó chịu khi ngay đến cả mẹ ruột cũng không hiểu con mình. Anh cho rằng, mẹ mình chỉ tin lời giáo viên, không cho anh cơ hội giải thích.

Khi đi học, trẻ mắc sai lầm và bị giáo viên phê bình là điều không hiếm gặp. Cha mẹ không thể bênh vực con cái mù quáng, cũng không thể để chúng vô phép vô tắc và tiếp tục phạm sai lầm.

Những điều cha mẹ cần làm khi trẻ mắc lỗi và bị giáo viên phê bình

Khi trẻ bị giáo viên phê bình, cha mẹ cần làm 3 điều này, sau này chúng sẽ ít mắc lỗi và ngày càng ngoan hơn.

- Tìm ra sự thật của sự việc

Trước tiên, cha mẹ cần biết tại sao con mình bị giáo viên phê bình. Nếu đó thực sự là lỗi của trẻ thì không thể bênh vực được. Ngược lại, nếu trẻ không làm sai, cha mẹ phải đứng ra bảo vệ con mình, để trẻ hiểu được cha mẹ là chỗ dựa vững chắc của mình.

- Xoa dịu cảm xúc của trẻ

Dù trẻ thực sự mắc lỗi hay không, tâm trạng của chúng sau khi bị giáo viên mắng ít nhiều sẽ rất buồn. Điều cha mẹ nên làm là xoa dịu cảm xúc của trẻ trước. Cha mẹ có thể giải thích cho trẻ hiểu ý tốt của giáo viên, trút bỏ những bất bình trong lòng trẻ và khuyến khích chúng nói ra cảm xúc của mình.

- Cùng nhau đối mặt với vấn đề

Khi một đứa trẻ bị giáo viên phê bình, đó là một việc rất lớn trong mắt chúng. Vì thế, cha mẹ phải cùng con cái giải quyết vấn đề này, để trẻ sớm buông bỏ những cảm xúc tiêu cực trong lòng.

Con đường trưởng thành của trẻ sẽ suôn sẻ nếu có sự hướng dẫn chính xác từ cha mẹ, có như thế trẻ sẽ không đi chệch hướng.

Theo Phan Hằng (Theo QQ) (Báo GT)
Bình luận