: TVO 24H: 2021-04-04 08:32:30

Lượt xem: 2641

Khánh Ly: 'Tấm lòng Trịnh Công Sơn là kỷ vật đời tôi'

Danh ca Khánh Ly nói bà cứ hát cứ tìm trong nhạc Trịnh để thấy rõ hơn mỗi ngày tấm lòng nhân ái ông để lại.

Tưởng nhớ 20 năm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời (1/4/2001-1/4/2021), từ Mỹ, ca sĩ viết cảm nhận về âm nhạc của ông và mối thâm tình của cả hai.

Thời dịch bệnh, tôi trải qua một năm ở nhà với con gái và hai chú cún. Mỗi chiều cơm nước đợi con về hoặc tưới vườn quét lá. Chỉ buồn không được gặp cháu nội. Và không bao giờ gặp lại các bạn đã bỏ chúng tôi mà đi. Ở nhà, tôi nghe và hát lại những bài hát cũ, của những tác giả tôi trân trọng, yêu quý. Cầu xin bình an cho mọi người. Cầu xin đến lúc bình an còn được nhìn thấy nhau. Lúc này, hơn bao giờ hết mới thấy trân quý sự sống biết bao. Nếu được Chúa thương gọi về, tôi xin được ra đi trong vòng tay con cháu và trong lời cầu nguyện của mọi người. Những lúc như thế, tôi nhớ đến ông. Ông dặn: "Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh".

Những điều ông nhắn nhủ thời gian đầu tôi đến bên ông, đến giờ vẫn là bài học về cuộc sống - kỷ vật quý giá ông để lại cho tôi. Hãy sống trong đời sống bằng một tấm lòng. Bài học đơn giản, đã cũ, nhưng sao tôi luôn canh cánh. Ngày tôi bươn chải kiếm tiền nuôi con, nuôi thân. Việc làm ấy của tôi khiến ông thất vọng. Những cuộc hôn nhân không hạnh phúc của tôi cũng khiến ông thương cảm. Đến lúc gần đi về nơi cuối trời, tôi còn có thể làm gì khác để tạ ơn ông ngoài tấm lòng chung thủy. Để nếu có còn gặp lại nhau ở kiếp sau, tôi vẫn có thể trông thấy nụ cười và ánh mắt long lanh của ông.

Tôi chẳng hiểu vì sao tôi "kết" nhạc Trịnh. "Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ", thì tôi hiểu như kiểu mưa rơi trên mái nhà vậy. Rồi "... ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau", tôi mang máng hiểu ý tác giả là sỏi đá còn cần có nhau huống chi con người. Nhưng đến "Đôi khi thấy trên lá cây ngày em đã xa tôi". Là sao? Tôi ngắc ngứ mãi cho đến khi hiểu ra rằng: Cây lá đổi màu, tàn rụng hay xanh tươi theo năm tháng. Đếm bao nhiều lần cây lá rơi rụng để biết tình đã xa bao năm tháng. Đây cũng chỉ là cái biết của tôi - một người ít học, học ít.

Những người đến không vì mong. Những người khuất không vì quên. Ông nói vậy. Liệu chúng ta có mong mỏi được sinh ra. Và khi khuất xa, hỏi có ai còn nhớ ta không. "Người đã đến và người sẽ về bên kia núi. Từng câu nói là từng cánh buồm dong cuối trời. Còn lại tiếng cười khóc giữa đời". Hãy lên thuyền dong buồm ra khơi, về khuất bên kia núi, về nơi cuối trời một cõi đi về bình an. Mặc thế gian cười khóc.

Tôi tìm thấy gì qua nhạc Trịnh. Tìm được sự chia sớt, an ủi. Tìm được niềm vui dẫu mong manh. Tìm được đốm lửa hy vọng trong nỗi đau. Tìm được tấm lòng bên một tấm lòng. Tôi dẫu một mình nhưng không cảm thấy cô đơn, tuyệt vọng. Tôi có những ca khúc của ông trên con đường về bên kia núi. Về nơi cuối trời.

Khi tôi trở về, hát những bài ca cũ cùng mọi người gọi lại thanh xuân. Nên lắm chứ, bởi chúng ta ai cũng từng có rồi từng mất đi, từng nuối tiếc thanh xuân, cùng thầm mong ước xin được một lần trở lại tuổi ngây thơ. Vậy nên người nghe, người hát tìm đến cùng ngồi với nhau. Thương hơn là cùng hiểu rõ một điều rằng chúng ta chẳng còn được bao nhiêu ngày tháng cùng nhau gọi kỷ niệm với Tình Nhớ, Tuổi đá buồn, Như cánh vạc bay...

Chúng ta lớn lên theo thời gian và già đi. Thanh xuân cũng lặng lẽ trôi theo. Tóc thôi bay. Mắt không còn xanh. Môi không còn tươi. Nhưng những tình khúc một thuở như Mưa hồng thì ở lại xanh mãi với thời gian. Người có thể không giữ lời thề nhưng âm nhạc chính là sự thủy chung trăm năm bất biến. Ông bảo: "Núi đứng quanh năm đất muôn đời nằm riêng ta rộn ràng". Núi non đất đá muôn đời thủy chung. Ta khổ là bởi ta luôn rộn ràng vọng động.

Tôi cứ hát cứ tìm trong nhạc Trịnh để thấy rõ hơn mỗi ngày tấm lòng nhân ái ông để lại cho mọi người. Tấm lòng đó đẹp lắm. Dấu ấn đậm nét nhất về ông trong tôi chính là tấm lòng của ông và những người yêu Trịnh. Đã rõ, đã thấu tấm lòng ấy. Đã đồng cảm và đi cùng tấm lòng ấy.

Chúng tôi từng chung một mơ ước khi gặp lại. Trở lại nơi chúng tôi đã bắt đầu. Chúng tôi sẽ lại được kề cận những tâm hồn trong trẻo ngây thơ trên bục giảng trong sân trường. Kể cho nhau nghe về một thời chinh chiến đã qua. Kể cho nhau nghe rằng ngày đó, thời loạn ly đó có bà mẹ già lìa bỏ xóm thôn, mang trên tay gia tài duy nhất là một trái bí. Bà mẹ khóc. Bà nhớ mái nhà, nhớ hàng cau sau hè và trái bí nhớ giàn của nó. Đấy, chúng tôi đã từng chia sẻ ước mơ đó. Nhưng rồi không kịp nữa. Anh không muốn cứ phải đi loanh quanh khi đời đã mỏi mệt. Anh bỏ chúng ta mà đi.

Tôi trở về. Anh không còn ở đó, nhưng nhạc Trịnh lại bay đầy không gian. Nhạc Trịnh vẫn ở lại trong lòng người Việt.

Anh ạ, giờ vắng anh, em vẫn đi, vẫn cùng các bạn trẻ nắm bàn tay nhân ái đến khắp mọi miền. Em muốn mang tấm lòng của anh trao đến các em bé mồ côi, bất hạnh để một mai khi lớn khôn, các em sẽ hạnh phúc bước vào đời.

20 năm trước, ở ngõ Trịnh, anh đứng trước nhà tiễn. Em đi. Năm đó, anh mới 62. Giờ em ngồi hát lại Giọt lệ thiên thu, như thấy anh cười hồn nhiên, vẫn tuổi 62. Còn em đã già.

Theo vnexpress

Bình luận