: TVO 24H: 2022-12-09 14:30:47

Lượt xem: 2412

Khám bệnh bằng CCCD gắn chip: Nghe “tích” là xong thủ tục

Thời gian làm thủ tục đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng CCCD gắn chip được rút ngắn rất nhiều so với trước đây.

Sáng 8-12, tại BV quận 12 có khá đông bệnh nhân sử dụng CCCD gắn chip để khám theo diện bảo hiểm y tế (BHYT).

Nghe “tích” một tiếng là xong

Bà TTHT (48 tuổi) đang xếp hàng chờ tới lượt, cho hay bà thường bị đau bụng âm ỉ nên hôm nay bà đến quầy đăng ký khám chuyên khoa Nội để xem tình hình sức khỏe thế nào. Hơn 10 phút sau thì đến lượt bà vào khám.

Theo kế hoạch của Bộ Y tế, đến hết năm 2022, 100% cơ sở y tế phải thực hiện KCB BHYT bằng CCCD gắn chip, 20% người dân đi khám BHYT có tra cứu thông tin qua CCCD gắn chip.

Bà T nhanh nhẹn đưa cho nhân viên của BV CCCD gắn chip. Cầm CCCD, nhân viên của BV đưa vào máy quét mã QR và tiếng “tích” vang lên. Lập tức màn hình máy tính hiện đầy đủ tên, tuổi, địa chỉ, số thẻ BHYT… của bà T. Sau đó, nhân viên của BV in số thứ tự và phòng khám ra tờ giấy nhỏ rồi đưa cho bà.

“Nhanh vậy trời, tôi chưa kịp… gãi ngứa cái lưng thì thủ tục đăng ký khám bệnh đã xong” - bà T reo lên thú vị. “Chẳng bù trước đây lâu lắc, đi khám phải xếp hàng mãi mới tới lượt, rồi đưa thẻ BHYT giấy, rồi chờ nhân viên của BV kiểm tra, ghi chép… tốn khá nhiều thời gian” - bà T nói thêm.

Tại BV quận 11, sáng cùng ngày, ông NMH (46 tuổi) không giấu nổi ngạc nhiên khi thời gian làm thủ tục khám hô hấp bằng CCCD gắn chip diễn ra trong chưa đầy 1 phút.

“Sau khi kiểm tra đúng các nội dung được lưu trữ trong CCCD gắn chip, nhân viên của BV đưa cho tôi tờ giấy có in phòng khám, số thứ tự và mộc đỏ “nhận bệnh bằng CCCD gắn chip”. Tới phòng khám, chờ chút xíu là tới lượt. Khám xong, tôi tới quầy nhận thuốc rồi về. Do khám diện BHYT nên tôi không mất đồng nào và cũng không bị run chân do đứng chờ lâu như ngày trước” - ông H phấn khởi.

Giảm thời gian làm thủ tục

BS Nhan Tố Tài, Giám đốc BV quận 12, cho biết mỗi ngày BV khám cho khoảng 1.400 lượt bệnh nhân. Trong đó, 80% thuộc diện BHYT. “BV thực hiện khám chữa bệnh (KCB) bằng CCCD gắn chip từ giữa tháng 11-2022. Hiện mỗi ngày có 200-220 bệnh nhân thuộc diện BHYT sử dụng CCCD gắn chip để KCB” - BS Tài nói.

Cũng theo BS Tài, thuận lợi đầu tiên của KCB bằng CCCD gắn chip là BV kiểm tra thông tin của người bệnh nhanh hơn. “Trước đây phải nhập tay số thẻ BHYT. Một khi thẻ bị rách, số thẻ bị mờ sẽ gây không ít khó khăn cho người nhập, kéo dài thời gian chờ đợi” - BS Tài cho hay.

Khám bệnh bằng CCCD gắn chip: Nghe “tích” là xong thủ tục

Bệnh nhân diện bảo hiểm y tế đăng ký khám bằng CCCD gắn chip tại BV quận 11 (TP.HCM). Ảnh: TRẦN NGỌC

Cạnh đó, sử dụng CCCD gắn chip cũng sẽ giúp BV ngăn chặn tình trạng KCB liên tục tại nhiều BV khác nhau nhằm mục đích lấy nhiều thuốc. “Bệnh nhân hôm nay khám ở BV A, được cho thuốc uống một tuần. Nếu hôm sau bệnh nhân này qua BV B khám sẽ bị phát hiện ngay” - BS Tài nói thêm.

Theo TS-BS Phạm Quốc Dũng, Giám đốc BV quận 11, bình quân mỗi ngày BV khám cho khoảng 1.800 bệnh nhân. “BV triển khai KCB bằng CCCD gắn chip từ đầu tháng 3-2022. Đến nay đã có khoảng 3.270 lượt bệnh nhân BHYT khám bằng CCCD gắn chip. Con số trên chưa nhiều, do vậy rất cần truyền thông để người dân thấy được sự thuận tiện khi KCB bằng CCCD gắn chip” - TS-BS Dũng cho biết.

TS-BS Dũng cũng cho rằng thuận lợi của việc KCB bằng CCCD gắn chip là người bệnh không phải mang theo nhiều loại giấy tờ. Về phía BV, chỉ cần kiểm tra CCCD gắn chip, không phải kiểm tra những giấy tờ khác nên rút ngắn được thời gian làm thủ tục đăng ký KCB. “Sử dụng CCCD gắn chip thuận lợi hơn cho người lớn tuổi. Người làm mất, hư thẻ BHYT cũng không phải đi đổi thẻ. Đặc biệt là hạn chế được tình trạng mượn thẻ BHYT để KCB” - TS-BS Dũng chia sẻ thêm.

Khám bệnh bằng CCCD gắn chip: Nghe “tích” là xong thủ tục

Vẫn còn CCCD gắn chip chưa có thông tin BHYT

“Khó khăn hiện nay là khi quét mã QR trên CCCD gắn chip thì máy quét mã của BV nhận diện lúc được, lúc không. Do vậy, nhân viên phải nhập tay số CCCD, họ tên và năm sinh của người bệnh trên cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin giám định BHYT để kiểm tra thông tin hợp lệ của người bệnh” - TS-BS Phạm Quốc Dũng, Giám đốc BV quận 11, chia sẻ.

BS Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, cho biết BV cũng gặp một số khó khăn khi thực hiện KCB bằng CCCD gắn chip: “Một số CCCD gắn chip hiện vẫn chưa được cập nhật trên hệ thống giám định BHXH Việt Nam. Một số bệnh nhân chưa đổi CCCD gắn chip nên khó kiểm tra thông tin khi không trình được thẻ BHYT giấy. Đa phần bệnh nhân ở các tỉnh khi đến KCB bằng CCCD gắn chip nhưng nhân viên y tế thông tuyến kiểm tra thì thẻ báo không thành công”.

Theo BS Tuấn, tháng 11-2022, tại BV có hơn 3.710 lượt tra cứu thẻ BHYT bằng CCCD gắn chip. Tuy nhiên, chỉ gần 2.480 CCCD có thông tin BHYT, vẫn còn hơn 1.230 CCCD chưa có thông tin.

Về vấn đề này, trước đó vào ngày 6-12, trong công văn gửi Sở Y tế, các BV… về việc đẩy mạnh triển khai thực hiện KCB BHYT bằng CCCD gắn chip, Bộ Y tế cũng nhận định qua gần chín tháng triển khai thí điểm, tỉ lệ tra cứu BHYT thành công qua CCCD theo số liệu thống kê còn rất thấp.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ Y tế đề nghị thủ trưởng các đơn vị khẩn trương chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền quản lý rà soát tình hình triển khai thí điểm thực hiện KCB theo diện BHYT bằng CCCD gắn chip hoặc qua ứng dụng VNeID của Bộ Công an theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế.

92% cơ sở y tế khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip

Theo số liệu báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến ngày 18-11-2022, toàn quốc đã có 11.726 cơ sở triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip (đạt tỉ lệ 92% tổng số cơ sở KCB BHYT trong toàn quốc) với 4.797.796 lượt tra cứu thông tin BHYT bằng CCCD khi tiếp đón người bệnh đến KCB BHYT. Trong đó có 2.942.327 lượt tra cứu thành công.

Tỉ lệ tra cứu thành công đạt 61,33% trên tổng số lượt tra cứu. Tỉ lệ lượt KCB có tra cứu bằng CCCD gắn chip trên tổng số lượt KCB (khoảng 110 triệu lượt) mới đạt khoảng 4,36%, cho thấy số lượng người dân KCB được cơ sở KCB tra cứu thông tin BHYT qua CCCD gắn chip còn thấp, tỉ lệ tra cứu thành công cũng thấp.

Nguồn Pháp luật

Bình luận