: TVO 24H: 2021-02-08 17:05:57

Lượt xem: 2824

Giám đốc 'rủ' toàn bộ nhân viên ở lại ăn Tết

TP HCMCận Tết, thấy nhiều nhân viên của mình định về quê giữa lúc Covid-19 bùng phát, ông Truyền khuyên họ ở lại và hứa lo một cái Tết thật chu toàn.

Những ngày cuối năm, công ty của kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền ở quận 10 vẫn đang làm việc nhưng vị giám đốc cho phép mọi người tạm nghỉ, cùng nhau đi chợ mua lá dong, nếp, đậu xanh... về gói bánh chưng.

Họ đều là những nhân viên quê ở những tỉnh có dịch như Gia Lai, Hải Phòng, Hà Nội và những người ở các tỉnh chưa bùng dịch nhưng vẫn quyết định ăn Tết Sài Gòn.

"Nhiều nhân viên có gia đình ngay giữa tâm dịch nên tôi đã khuyên các bạn nên ở lại Sài Gòn ăn Tết một năm. Công ty sẽ lo mọi thứ và ‘đảm bảo Tết có thịt’, ông Truyền cười nói.

Kiến trúc sư Truyền (ngoài cùng bên trái) cùng nhân viên trang trí Tết ở công ty. Ảnh: Thanh Truyền.

Trần Thanh Tùng, 30 tuổi, quê Kiến An, Hải Phòng, làm việc ở công ty đã 6 năm, đây là lần đầu tiên ăn Tết xa nhà. Dù quê anh không phải là tâm dịch, vẫn có thể về được nhưng các địa phương lân cận như Hải Dương, Quảng Ninh lại là điểm nóng của đợt bùng phát Covid-19 nên nguy cơ nhiễm virus vẫn có thể xảy ra. Cuối tháng 1, trong lúc đang định mua vé về quê thì dịch bùng lên, chàng trai hoãn lại kế hoạch đặt vé. Vừa theo dõi tin tức, vừa hồi hộp sợ không được về quê khi Tết cận kề.

"Tôi chợt nghĩ đến việc phải ở lại Sài Gòn. Rồi lại nhớ khung cảnh ở quê, những người xa quê trở về, người dân ra đường mua sắm, không khí nhộn nhịp lắm", chàng trai kể, rồi quyết định dù thế nào cũng phải ráng về.

Ông Truyền trang trí khu vực trước công ty làm địa điểm chụp hình cho các nhân viên. Ảnh: Thanh Truyền.

Khu vực trước công ty làm địa điểm chụp hình cho các nhân viên. Ảnh: Thanh Truyền.

Cũng giống Tùng, cô gái 23 tuổi tên Diệu Thanh mới ra trường, làm ở công ty chưa đầy năm nên rất mong Tết để được về quê bởi cả năm nay cô chưa được về nhà thăm ba mẹ.

Nhà Thanh ở phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa, nơi có những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên của Gia Lai. Ngay khi khu vực gia đình đang sống bị phong tỏa, bố mẹ đã gọi cho con gái khuyên con đừng về. Cô gái thì lo lắng cho sức khỏe của bố mẹ ở quê, lo cho mấy luống hoa Tết đã nở rộ lại mà không thể cắt bán. Hơn nữa, suy nghĩ về việc ăn Tết một mình ở Sài Gòn lại khiến cô gái rối bời.

Chưa biết quyết định nên về hay ở thì cả Tùng, Thanh cùng hơn 10 nhân viên khác có quê là những địa phương đang có dịch nhận được thông báo của giám đốc Truyền.

Từ ngày thành lập, ông Truyền đã xây dựng một môi trường làm việc - nghỉ ngơi khép kín ngay trong công ty với đủ các khu vực ăn uống, phòng tập gym, studio thu âm, ca hát và có cả khu nhà ở nhân viên.

"Chỗ ở nhân viên cách công ty chỉ hơn trăm mét nhưng trước giờ có nhiều bạn vẫn chọn đi ở trọ. Nếu Tết thấy buồn thì cứ dọn đến đây. Mọi người cùng vui chơi, ăn uống cùng nhau", vị kiến trúc sư 50 tuổi nói.

Hơn một tháng trước, ông Truyền đã cho trang trí khuôn viên trước mặt công ty giống một đường hoa. Cùng mọi người mặc áo dài chụp hình, quay MV ca nhạc mà ca sĩ là giám đốc còn diễn viên là những nhân viên.

"Đồ ăn thì không lo. Công ty có sẵn xe, có thể đưa mọi người đến những điểm được cho phép du xuân, chụp hình. Sau Tết, nếu dịch được kiểm soát tốt, tôi sẽ sắp xếp lại công việc để mọi người chia nhau về quê thăm nhà", ông Truyền nói

Những năm trước, Tết của vị kiến trúc sư này là những chuyến du lịch nước ngoài. Nhưng đối với nhân viên trong công ty thì khác, ông hiểu tâm lý các bạn trẻ đều muốn ở bên gia đình, nên muốn làm mọi người vui.

Ông tâm sự với các nhân viên: "Hãy thử xem việc ăn Tết Sài Gòn là một trải nghiệm mới. Cứ nghĩ vui rằng các bạn đang đi du lịch nước ngoài chẳng hạn. Công ty lo hết cho mọi người rồi thì việc gì phải sợ".

Vậy là cả Thanh và Tùng cùng nhiều nhân viên khác không còn lo lắng gì thêm, họ quyết định ở lại.

Ông Truyền tổ chức cho nhân viên gói bánh chưng sáng 22 Tết, ngay sau khi mọi người quyết định ở lại. Ảnh: Thanh Truyền.

Nhân viên gói bánh chưng sáng 22 Tết, ngay sau khi mọi người quyết định ở lại. Ảnh: Thanh Truyền.

Bây giờ, Tùng đang háo hức được trải nghiệm một cái Tết xa nhà đầu tiên ở một thành phố lớn. Nơi anh thường nghe bảo Tết ra đường vắng người, chẳng còn kẹt xe. Chàng trai gốc Bắc tuy không được ăn món giò thủ như ở quê nhưng rất mong chờ được thưởng thức món thịt kho hột vịt của chị giám đốc nhân sự.

Còn Thanh, cô gái trẻ cảm thấy an tâm khi không đón Tết một mình ở phòng trọ. Cô sẽ cùng mọi người cắt bánh chưng, ăn củ kiệu ngâm, uống trà... Những cuộc điện thoại về nhà Thanh cũng vững giọng hơn, nói với bố mẹ rằng: "Mấy luống hoa không bán được thì để 'chưng' Tết luôn, sân nhà chắc sẽ rất rực rỡ. Bố mẹ an tâm, hết dịch con sẽ về".

Diệp Phan

Bình luận