: TVO 24H: 2024-03-15 09:37:13

Lượt xem: 278

Fed có thêm lý do để trì hoãn việc giảm lãi suất

Thậm chí, đã có chuyên gia dự báo rằng Fed sẽ đợt đến cuối năm mới hạ lãi suất...

fed

Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.

Dữ liệu mới về lạm phát và thất nghiệp công bố vào ngày thứ Năm (14/3) mang đến thêm lý do để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không vội cắt giảm lãi suất, cho dù số liệu doanh thu bán lẻ phản ánh nhu cầu tiêu dùng chậm lại. Thậm chí, đã có chuyên gia dự báo rằng Fed sẽ đợt đến cuối năm mới hạ lãi suất.

Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) - thước đo giá cả hàng hóa bán buôn từ các công ty sản xuất - cao vượt dự báo trong tháng 2. Trong đó, PPI toàn phần tăng 0,6% so với tháng trước, lớn gấp đôi so với mức dự báo tăng 0,3% mà các nhà kinh tế học đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. PPI lõi - chỉ số không bao gồm hai nhóm thực phẩm và năng lượng - tăng 0,3%, cũng cao hơn mức dự báo là tăng 0,2%.

Trước báo cáo PPI, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mà Bộ Lao động Mỹ công bố vào hôm thứ Ba tuần này cũng cho thấy lạm phát giảm chậm hơn kỳ vọng.

Một báo cáo khác từ Bộ Lao động Mỹ ngày thứ Năm cho thấy số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần ở nước này bất ngờ giảm - một dấu hiệu cho thấy thị trường lao động vẫn thắt chặt, đặt ra sức ép tăng lương, tăng lạm phát. Trong tuần kết thúc vào ngày 9/3, Mỹ có 209.000 người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, giảm 1.000 người so với tuần trước đó và thấp hơn 9.000 người so với con số dự báo 218.000 người mà các nhà kinh tế học đưa ra.

Báo cáo cùng ngày từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy doanh thu bán lẻ ở nước này trong tháng 2 đạt gần 708 tỷ USD, tăng 0,6% so với tháng 1 sau khi giảm 1,1% trong tháng 1 so với tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, mức tăng của tháng 2 không đạt kỳ vọng và mức giảm của tháng 1 là sâu hơn so với lần công bố sơ bộ. Đây được xem là dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng Mỹ đã trở nên thận trọng hơn trong việc chi tiêu.

FED SẼ ƯU TIÊN PHẢN ỨNG VỚI LẠM PHÁT?

Mặc tín hiệu “thắt lưng buộc bụng” của người tiêu dùng Mỹ, giới phân tích cho rằng rủi ro lạm phát trỗi dậy và tình trạng thắt chặt tiếp diễn của thị trường việc làm củng cố quan điểm của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Fed rằng họ cần đợi thêm những bước tiến mới trong tiến trình giảm lạm phát mới bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Fed - những người mang sứ mệnh kép là duy trì ổn định giá cả và tạo việc làm tối đa trong nền kinh tế - được cho là sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất trong hơn 2 thập kỷ trong cuộc họp diễn ra trong 2 ngày thứ Ba và thứ Tư tuần tới. Đây sẽ là lần thứ 5 liên tiếp Fed duy trì lãi suất ở mức 5,25-5,5% sau đợt tăng cuối cùng vào tháng 7 năm ngoái.

“Mỗi khi Fed đang cân nhắc cắt giảm lãi suất và bất ngờ phải đối mặt với các số liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế chậm lại và lạm phát tăng lên, lần nào họ cũng ưu tiên phản ứng với lạm phát. Chừng nào lạm phát giá bán buôn chững lại hoặc nhích lên, và áp lực lạm phát bán lẻ vẫn còn, Fed còn kéo dài thời gian giữ nguyên lãi suất”, các chuyên gia Chris Low và Mark Streiber của công ty FHN Financial nhận định trong một báo cáo.

Lạm phát ở Mỹ đã giảm nhiều trong hơn 1 năm qua, chủ yếu nhờ giá năng lượng và thực phẩm đi xuống. Tuy nhiên, các báo cáo CPI và PPI công bố trong tuần này cho thấy tiến trình giảm lạm phát đang chững lại, thậm chí có thể đảo ngược. Cụ thể, chỉ số CPI lõi đã tăng lần đầu tiên kể từ tháng 5 và chỉ số PPI lõi ghi nhận mức tăng trong 2 tháng liên tiếp mạnh nhất trong 1 năm trở lại đây. Giá năng lượng tăng là một nguyên nhân chính khiến cả CPI và PPI đều tăng mạnh hơn dự báo trong tháng 2, sau khi đã tăng nhiều hơn so với kỳ vọng trong tháng 1.

Các thành phần của CPI và PPI được sử dụng để tính chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng hơn - cho thấy PCE tháng 2 sẽ lại tăng mạnh sau khi đã tăng mạnh trong tháng 1. Báo cáo PCE sẽ được Bộ Thương mại Mỹ công bố trong tháng 3 này.

DỰ BÁO HẠ LÃI SUẤT BỊ ĐẨY LÙI

Nhà kinh tế trưởng Ian Shepherdson của công ty nghiên cứu kinh tế Pantheon Macroeconomics dự báo PCE tăng 0,4% trong tháng 2 so với tháng 1, bằng với mức tăng của tháng 1. Trong khi đó, một số nhà dự báo khác như ngân hàng Barclays hay ngân hàng Bank of America dự báo mức tăng 0,3%, thấp hơn mức tăng của tháng 1, nhưng vẫn đồng nghĩa với chuỗi 2 tháng tăng mạnh nhất trong vòng 1 năm.

Sau khi báo cáo PPI được công bố, ông Shepherdson dự báo Fed bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 6. Trước đó, ông dự báo tháng 5 sẽ là thời điểm Fed khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ.

Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng Stephen Stanley của công ty Santander US Capital Markets LLC dự báo phải đến tháng 11 Fed mới bắt đầu hạ lãi suất. Đây là dự báo muộn hơn so với nhận định của đại đa số chuyên gia. Phổ biến nhất hiện nay là dự báo Fed bắt hạ lãi suất vào tháng 6.

“Cách đây 6 tuần, Fed nói muốn có được ‘sự tin tưởng lớn hơn” rằng lạm phát đang giảm về mức 2%. Nhưng kể từ đó tới nay, họ chẳng có được gì ngoài tin xấu về lạm phát”, ông Stanley viết trong một báo cáo.

Cùng quan điểm cho rằng Fed sẽ trì hoãn việc giảm lãi suất, nhà kinh tế Nancy Vanden Houten của công ty nghiên cứu Oxford Economics nhận định những số liệu vừa công bố cho thấy thị trường việc làm có nới lỏng một chút nhưng vẫn còn mạch. “Chúng tôi bây giờ đang dự báo Fed bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 5, nhưng thị trường lao động còn mạnh và lạm phát còn dai dẳng đã làm gia tăng khả năng việc giảm lãi suất sẽ đến muộn hơn. Việc trì hoãn giảm lãi suất từ 1-2 cuộc họp có thể sẽ ảnh hưởng mạnh đến các dự báo kinh tế của chúng tôi”, bà Houten cho biết trong một báo cáo.

Nguồn VnEconomy

Bình luận