: TVO 24H: 2023-06-26 11:09:51
Lượt xem: 2307
Đưa sâm Việt Nam thành sản phẩm chủ lực trong y dược
Sâm Việt Nam là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y dược và chăm sóc sức khỏe, là ngành hàng mang thương hiệu quốc gia, quốc tế.
Đầu tháng 6-2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định 611/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Mục tiêu xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y dược và chăm sóc sức khỏe, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia. Đồng thời, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Dự kiến đến năm 2030, diện tích trồng sâm Việt Nam đạt khoảng 21.000 ha, tất cả sẽ được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý.
Bảo tồn và phát triển vùng nguyên liệu sâm Việt Nam
Theo chương trình phát triển sâm Việt Nam, mục tiêu cụ thể giai đoạn đến năm 2030 là bảo tồn nguồn gen sâm Việt Nam ngoài tự nhiên gắn với bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ sinh thái rừng.
Nguồn giống sâm Việt Nam chất lượng được chú trọng ưu tiên phát triển.
Phạm vi của chương trình là các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc nuôi trồng, phát triển sâm Việt Nam, gồm các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên-Huế, Nghệ An, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên. Trong đó, phát triển vùng nguyên liệu sâm Việt Nam quy mô hàng hóa tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu.
Mục tiêu là phát triển gắn với đẩy mạnh quảng bá và khẳng định thương hiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum tại thị trường trong nước và quốc tế. Sớm đưa sâm Ngọc Linh Kon Tum trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực quốc gia, có vị thế hàng đầu trong nước và hướng tới khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.
Ông LÊ NGỌC TUẤN, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum
Theo đó, loại sâm hướng đến bảo tồn, phát triển thương mại ở quy mô hàng hóa là sâm Ngọc Linh (ở Kon Tum và Quảng Nam) và sâm Lai Châu. Bên cạnh đó, phát triển quy mô thử nghiệm, gồm các loại sâm Lang Biang và sâm Puxailaileng ở khu vực có điều kiện tự nhiên phù hợp.
Đồng thời, chú trọng đầu tư, xây dựng các cơ sở sơ chế và chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Việt Nam gắn với vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi, trong đó có khoảng 50% cơ sở sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng GMP - WHO.
Sâm Ngọc Linh, cây dược liệu quý mang thương hiệu quốc gia
Tại Việt Nam, sâm Ngọc Linh được xác định là loại đặc hữu chỉ có trên núi Ngọc Linh (hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam), có 104 hợp chất, với 84 hợp chất saponin trong các bộ phận của cây như củ, thân, lá… thuộc loại có nhiều hợp chất nhất thế giới.
Sâm Ngọc Linh hứa hẹn là cây tỉ đô từ xuất khẩu.
Là địa phương được mệnh danh là thủ phủ của sâm Ngọc Linh, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, đánh giá: “Sâm Ngọc Linh đã góp phần thay đổi rất lớn về nhận thức của người dân địa phương, đặc biệt là phát triển kinh tế - xã hội. Sâm Ngọc Linh được xác định là cây thoát nghèo chủ lực của địa phương. Hiện toàn huyện có khoảng 1.700 ha. Chương trình phát triển sâm Việt Nam hứa hẹn sẽ thay đổi lớn về kinh tế - xã hội, nhất là bà con vùng sâu, vùng xa ở những nơi có chỉ dẫn địa lý”.
Cách đây hơn 20 năm, tỉnh Kon Tum đã có định hướng dài hơi, bằng mọi giá phải bảo tồn nguồn gen quý sâm Ngọc Linh và quy hoạch vùng chuyên canh hơn 31.000 ha, hướng đến đầu tư, chế biến sâu. Mục tiêu ngắn hạn giai đoạn 2025-2030 trồng 4.500-10.000 ha và từng bước thực hiện thành công.
Định hướng cho cây thần dược tỉ đô này, ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, khẳng định trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tổng thể, mang tầm chiến lược để phát triển cây sâm Ngọc Linh.
Nguồn Pháp luật