: TVO 24H: 2022-11-29 14:24:20

Lượt xem: 2186

Cựu Giám đốc Bệnh viện Mắt nói không oan nhưng không đồng ý với thiệt hại

Cựu giám đốc Bệnh viện Mắt TP HCM cho rằng bản thân bị truy tố không oan nhưng không đồng ý với kết quả thiệt hại là hơn 14,2 tỉ đồng và bị hại trong vụ án là Bệnh viện Mắt.

Sáng 29-11, TAND TP HCM tiếp tục xét hỏi các bị cáo trong vụ can thiệp đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Mắt TP HCM.

Trả lời thẩm vấn, cựu giám đốc Bệnh viện Mắt TP HCM Nguyễn Minh Khải cho rằng bản thân bị truy tố không oan nhưng không đồng ý với kết quả thiệt hại từ sai phạm đấu thầu là hơn 14,2 tỉ đồng mà cáo trạng của VKSND Tối cao nêu.

Bị cáo cũng không đồng ý xác định Bệnh viện Mắt TP HCM là bị hại. Với vai trò là lãnh đạo Bệnh viện Mắt TP HCM trước đó, bị cáo không nhận thấy bệnh viện có thiệt hại thực tế.

Theo cáo trạng, với mục đích can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu mua sắm thủy tinh thể cho Bệnh viện Mắt TP HCM năm 2018, ông Khải đã chỉ đạo bổ sung tiêu chí là "Ý kiến đánh giá của Hội đồng đánh giá hàng mẫu trên mẫu dự thầu" trên tổng số 7 tiêu chí của hồ sơ mời thầu. Theo đó, nếu 1 trong 7 tiêu chí "không đạt" thì thủy tinh thể của công ty đó rớt thầu. Tuy nhiên, tiêu chí số 7 không được xây dựng chi tiết cơ sở đánh giá trong hồ sơ mời thầu, bị cáo nói đây là thiếu sót của mình.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Mắt nói không oan nhưng không đồng ý với thiệt hại

Cựu Giám đốc Bệnh viện Mắt TP HCM tại toà.

Cáo trạng cáo buộc, các mặt hàng thủy tinh thể của các nhà thầu Codupha, Tâm Hợp, Hào Tín có cùng tính năng, tác dụng tương tự, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tham dự thầu. Tuy nhiên, vì muốn mua hàng thủy tinh thể của hãng Carl Zeiss (Đức) của công ty Tâm Hợp, công ty Hào Tín nên Nguyễn Minh Khải chỉ đạo loại thủy tinh thể của nhà thầu công ty Codupha.

Trước toà, ông Khải nói việc lập Hội đồng đánh giá hàng mẫu gồm 13 bác sĩ có kinh nghiệm chuyên môn của bệnh viện là ý chí chủ quan của mình nhưng nhằm mục đích lựa chọn sản phẩm tốt nhất cho bệnh nhân. Vì thủy tinh thể sản phẩm cấy vào mắt người và sử dụng rất lâu.

Chủ tọa phiên tòa nhận xét bị cáo cẩn thận nhưng chiếu theo quy định đấu thầu thì không có hội đồng này.

Toà hỏi vì sao chỉ đạo tổ chức đánh giá kỹ thuật 2 lần. Bị cáo Khải trả lời ở lần 1 Hội đồng thẩm định hàng mẫu chấm không đúng cách, không khách quan. Cụ thể, hội đồng chấm cho sản phẩm của Công ty Codupha không đạt.

Trong khi đó, Công ty Codupha chỉ có 1 sản phẩm nhưng tham gia nhiều phần thầu, nếu chấm rớt kỹ thuật ở phần thầu này thì sẽ rớt tất cả các phần thầu khác. Theo ông Khải, có thể ở những phần thầu khác, loại thủy tinh thể này sẽ đáp ứng được (về tính năng, chức năng và cấu hình lẫn vấn đề kinh tế của một số bệnh nhân khó khăn). Bị cáo nói dù quy định không giới hạn các phần thầu nhưng vì muốn công bằng cho các công ty nên tổ chức chấm lại.

Sau khi chấm lại, thủy tinh thể của Công ty Codupha bị loại, VKS cho rằng bị cáo Khải đã định hướng cho Hội đồng thẩm định hàng mẫu chấm như thế. Ông Khải phủ nhận.

Ông Khải cho rằng kết quả chấm lần 2 khách quan vì thực tế thủy tinh thể của Công ty Codupha thường xuyên bị trầy xước và không chất lượng như loại thủy tinh thể đã trúng thầu. Bị cáo trình bày rằng người Việt Nam rất dễ dãi trong việc khi đạt được thị lực mong muốn thì không đòi hỏi các chức năng khác. Trong khi, nếu khám cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ biết được các chức năng khác không đạt nhưng sẽ không ai nói với bệnh nhân mà âm thầm điều trị vì lúc này trách nhiệm thuộc về bác sĩ điều trị chứ không phải đơn vị bán thủy tinh thể.

Bị cáo Khải nói rằng qua thực tế sử dụng, đã có các bác sĩ phản ánh về sản phẩm của Công ty Codupha không đảm bảo chất lượng nhưng không lập biên bản để giải quyết.

Ông Khải nói mỗi loại thủy tinh thể được sản xuất ra đều phải bảo đảm tiêu chuẩn chuyên môn, kỹ thuật. Tuy nhiên, ở gói thầu này, bị cáo muốn chọn sản phẩm tốt nhất cho người bệnh về chức năng thủy tinh thể. Cụ thể, đối với loại thủy tinh thể tốt, sau khi gắn vào mắt, bệnh nhân không chỉ lấy lại thị lực mà còn chống chói, chống tia UV, chỉ số khúc xạ tăng lên để kính tinh khiết hơn, bảo đảm vết mổ nhỏ để an toàn cho bệnh nhân và gắn sẵn trong cartridge (một công nghệ mới có được từ sự thay đổi dây chuyền sản xuất). Trong khi đó, thủy tinh thể của Codupha chỉ chống tia UV còn thủy tinh thể Carl Zeiss có được những yêu cầu trên.

Toà cho rằng những trình bày của bị cáo Khải không có cơ sở khoa học, thực tiễn.

HĐXX giải thích theo nguyên tắc đấu thầu, đối với các sản phẩm tương đương với nhau về tính năng, kỹ thuật, phải lựa chọn sản phẩm có giá thành rẻ hơn. Cũng nhờ đó, bệnh nhân sẽ không mất đi quyền lựa chọn sản phẩm rẻ hơn (thực tế là từ vài chục nghìn đến cao nhất là hơn 1 triệu đồng).

Bị cáo Tiến (cựu phó giám đốc bệnh viện) thì cho rằng trong quá trình điều trị tại Bệnh viện Mắt, bệnh nhân có thể lựa chọn rất nhiều gói dịch vụ nhưng bệnh nhân vẫn tin chọn các sản phẩm này vì uy tín hơn. Bị cáo này cho rằng nếu xác định đây là thiệt hại cho bệnh nhân thì không thỏa đáng.

Nguồn Người lao động

Bình luận