: TVO 24H: 2022-03-16 09:58:48

Lượt xem: 2437

Chuyến phiêu lưu của 2 chàng trai ngoại quốc ở “xứ sở cà phê” Việt Nam, mang hạt cà phê tươi từ nông trại ủ cùng bia thủ công vị trái cây

Timen Swijtink đến từ Hà Lan và Scott Sehoon Bahng đến từ Hàn Quốc đã gặp nhau tại Việt Nam. Rồi nhờ có chung tình yêu với cà phê Việt khiến cả 2 gắn kết và tạo ra Lacàph. Sau 2 năm thành lập, Lacàph đã không ngừng phát triển để trở thành một thương hiệu cà phê cao cấp, cũng như tiếp tục hành trình chia sẻ văn hóa cà phê Việt với những người hiếu kỳ ở khắp mọi nơi.

Chuyến phiêu lưu của 2 chàng trai ngoại quốc ở “xứ sở cà phê” Việt Nam, mang hạt cà phê tươi từ nông trại ủ cùng bia thủ công vị trái cây

 

Sau thời gian tự hào với danh xưng ‘đất nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới’, người Việt bắt đầu giật mình bởi giá trị các loại hạt cà phê của mình ngày càng tỷ lệ nghịch với sản lượng. Cà phê Việt Nam được cả nhân loại sử dụng, nhưng đời sống của nông dân Việt vẫn mãi nghèo.

Vậy nên, dạo gần đây, đã có không ít startup chuyên phát triển cà phê Việt chất lượng cao ra đời, nhằm tập trung nâng cao chất lượng nông sản và cả đời sống của người nông dân, mang tới cho giới mộ điệu trong ngoài nước loại cà phê Việt ngon như nó vốn phải thế. Lacàphe cũng là một trong số đó. Đặc biệt hơn, thương hiệu cà phê 2 năm tuổi này được sáng lập bởi 2 người đàn ông ngoại quốc đến từ Hà Lan và Hàn Quốc.

LACÀPH – MỐI DUYÊN LÀNH CỦA TIMEN SWIJTINK VÀ SCOTT SEHOON BAHNG

Timen Swijtink là một doanh nhân người Hà Lan, anh sinh sống và làm việc hơn 10 năm tại Việt Nam. Anh đến Việt Nam lần đầu khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, sau đó chọn ko Việt Nam làm đất nước để sống và phát triển sự nghiệp của mình. Trước khi khởi nghiệp với Lacàph, Timen Swijtink chủ yếu hoạt động trong ngành F&B, liên quan đến các thương hiệu rượu Tây.

Scott Sehoon Bahng là một chuyên gia cà phê người Hàn Quốc, sau khi đặt chân đến Việt Nam, một thời gian ngắn sau anh được bạn bè giới thiệu với Timen Swijtink. Sau rất nhiều cuộc trò chuyện, cả 2 nảy sinh ra kế hoạch xây dựng một thương hiệu cà phê tại Việt Nam. Đó chính cách mà Lacàph ra đời. Timen Swijtink đảm nhiệm chức vụ Giám đốc điều hành còn Sehoon là Giám đốc sản phẩm – Dịch Vụ.

"Một trong những điều tuyệt vời ở Việt Nam là nơi đây có một nền văn hóa cà phê độc đáo. Điều này có liên quan mật thiết đến văn hóa ẩm thực đường phố, khi bạn bè ngồi quây quần với nhau trên những chiếc ghế đẩu bé xinh ngoài vỉa hè. Những hình ảnh này đã in sâu vào nền văn hóa của người Việt. Chúng ta phải trân quý và tôn trọng lịch sử - di sản nơi đây.

Bởi vậy, sứ mệnh của Lacàph là mang cà phê Việt và văn hóa Việt đến với mọi người ở khắp nơi trên thế giới", anh Timen Swijtink chia sẻ.

Lacàph – Cà phê tôn vinh nông dân Việt – Chuyến phiêu lưu vào thế giới đầy hương sắc của 2 chàng trai đến từ Hà Lan và Hàn Quốc - Ảnh 1.

Cặp đôi Founder Timen Swijtink và Scott Sehoon Bahng cùng tập thể Lacàph đã có nhiều chuyến đi đến nông trại cà phê khắp các tỉnh Tây Nguyên.

Sau đó, Timen và Scott đã cùng nhau khám phá những vùng nguyên liệu trải dài ở 4 tỉnh thành của Việt Nam – chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên, với mong muốn tuyển chọn được những hạt cà phê chất lượng nhất cho khách hàng của mình. Cả 2 đã gặp gỡ, thưởng thức cà phê trong khi lắng nghe những câu chuyện được chia sẻ từ những người đã nuôi trồng nên hạt cà phê chất lượng.

Quay trở lại Sài Gòn, Scott bắt đầu rang những hạt cà phê đầu tiên mà mình có trong tay. Những mẻ rang đầu tiên được phát triển thành dòng sản phẩm Lacàph's Signature Blends, Phin Blend dành cho pha phin, Filter Blend dành cho các dụng cụ pha chế bằng giấy lọc và Espresso Blend dành cho máy Espresso.

CÀ PHÊ TÔN VINH NGƯỜI NÔNG DÂN

Có thể nói, những trải nghiệm trong hành trình rong ruổi cùng nhau nói trên của 2 founder đã định hình nên hồn cốt của thương hiệu cũng như chiến lược phát triển của Lacàph sau này.

Lacàph chính là cà phê dành để tôn vinh người nông dân. Vậy nên, không chỉ là 2 Founder mà Lacàph thường xuyên tổ chức những chuyến đi đến nông trại cho các nhân viên của mình.

Lacàph – Cà phê tôn vinh nông dân Việt – Chuyến phiêu lưu vào thế giới đầy hương sắc của 2 chàng trai đến từ Hà Lan và Hàn Quốc - Ảnh 2.

"Sự kết nối tình cảm là rất quan trọng và tôi tin rằng, điều này có tác động lâu dài đến mối quan hệ giữa chúng tôi với những người nông dân nơi đây. Để họ thấy được những cống hiến và quan tâm mà Lacàph đã dành cho họ. Bởi những người nông dân ấy đâu bao giờ nghe được những lời như ‘được rồi, chúng ta hãy tạm dừng hết công việc kinh doanh và đi thăm các cô chú nông dân trồng cà phê nào!’.

Mục đích của những chuyến đi đó là để chia sẻ sứ mệnh và truyền tải lại những suy nghĩ - tâm tư khách hàng đến những người nông dân. Chúng tôi muốn làm ngược lại quy trình ‘từ nông trại đến ly cà phê’ mà nhiều thương hiệu cà phê tại Việt Nam đã nhấn mạnh bấy lâu", Timen Swijtink bày tỏ.

Tiếp lời, Scott Sehoon Bahng cho rằng: Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê với sản lượng lớn nhất nhì thế giới. Đối với Lacàph, những người nông dân chính là những người hùng. Và anh nghĩ thương hiệu Lacàph chính là cầu nối để người tiêu dùng có thể gặp gỡ và hiểu thêm về những người nông dân trồng cà phê.

Theo đó, trên website của mình, Lacàph đã tôn vinh thương nhân thu mua cà phê chất lượng cao tên Bích và nông dân tên Ngọc ở Lâm Đồng, cùng nông dân Phú tại Đắc Nông.

Lacàph – Cà phê tôn vinh nông dân Việt – Chuyến phiêu lưu vào thế giới đầy hương sắc của 2 chàng trai đến từ Hà Lan và Hàn Quốc - Ảnh 3.

Nông dân Ngọc ở Lâm Đồng.

Nông trường của anh Ngọc ở ngay ngoại ô Thành phố Đà Lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng. 3 thế hệ trong gia đình của anh Ngọc đã làm nông nghiệp và trồng cà phê tại đây hơn 80 năm.

Nông trường được thành lập vào năm 1927 do một gia đình người Pháp trước kia định cư tại đây xây dựng và phát triển. Sau đó, ông bà của anh Ngọc là một trong những người lao động đầu tiên được chủ thuê làm việc tại nông trường của họ. Những cây cà phê đầu tiên trong nông trường thuộc giống Arabica Bourbon và Typica.

Ông bà của anh Ngọc đã trồng và thu hoạch cà phê ở đồn điền vào cuối thập niên 1920 và đầu thập niên 1930 bằng phương pháp truyền thống của người Pháp. Vườn cà phê phát triển tốt, ông bà của ông được trả lương cao. Rồi vào cuối thập niên 1930, họ mua lại nông trường từ chủ sở hữu người Pháp, rồi bắt đầu tự tay hoạch định nuôi trồng cho nông trại.

Khi anh Ngọc thừa kế nông trường từ cha mình, anh đã đổi tên và thành lập nông trường cà phê đặc sản như ngày nay. Giống như ông bà mình, anh vẫn tiếp tục trồng Arabica Bourbon và Typica nhưng bổ sung thêm các giống Catimor và Catuai để nâng cao năng suất, chống chịu được sâu bệnh như bệnh gỉ sắt trên lá - mọt đục quả cà phê.

Nông trường của anh Ngọc nằm ở độ cao khoảng 1.500 m so với mực nước biển và được bao phủ bởi đất núi lửa bazan màu mỡ – được biết đến như loại đất giàu khoáng chất và cung cấp sự cân bằng các chất dinh dưỡng hoàn hảo để trồng ra loại cà phê cao cấp nhất.

Nông trại của anh hiện đang sản xuất ra những hạt cà phê được Hiệp hội Cà phê Đặc sản xếp hạng là một trong số những loại cà phê ngon nhất Việt Nam. Hiện, Lacàph đang sử dụng Arabica Bourbon & Cascara của anh để tạo ra Lacàph Espresso Blend và Cold Steeped Cascara.

Lacàph – Cà phê tôn vinh nông dân Việt – Chuyến phiêu lưu vào thế giới đầy hương sắc của 2 chàng trai đến từ Hà Lan và Hàn Quốc - Ảnh 4.

Lacàph Bar

Lacàph – Cà phê tôn vinh nông dân Việt – Chuyến phiêu lưu vào thế giới đầy hương sắc của 2 chàng trai đến từ Hà Lan và Hàn Quốc - Ảnh 5.

Lacàph Space.

Tuy nhiên, Lacàph không chỉ muốn tôn vinh mà còn muốn giúp nâng cao đời sống của người nông dân trồng cà phê tại Việt Nam.

"Chuỗi cung ứng cà phê tại Việt Nam thường phải đi qua nhiều bên, khiến nông dân chỉ bán được giá thấp, trong khi khách hàng phải trả với giá rất cao. Kéo theo lợi nhuận phải phân ra cho 5 đến 6 bên. Lacàph giúp rút ngắn các khâu trong chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, Lacàph cũng đang giúp các nông dân – nông trại trong chuỗi cung ứng của mình phát triển cơ sở - vật chất, cải thiện chất lượng cà phê để tăng lợi nhuận từ nông sản. Qua đó, người nông dân có thể tăng định giá cà phê do mình sản xuất. Bằng cách áp dụng kỹ thuật canh tác tiến tiến của của thế giới, hỗ trợ chuyển đổi ngành cà phê Việt Nam từ chú trọng sản lượng sang chất lượng.

Và người tiêu dùng biết cà phê mình đang sử dụng đến từ đâu", Timen Swijtink nêu cụ thể trong một tọa đàm của Flavors Vietnam 2022.

Tuy nhiên, cái gì cũng cần thời gian. Lacàph đã bắt đầu 2 năm, nhưng cũng đang gặp nhiều vấn đề trong việc điều chỉnh quy trình canh tác để không ảnh hưởng xấu đến môi trường. Vậy nên, như chúng ta thấy, Lacàph vẫn chưa có nhiều nhà cung cấp.

CÀ PHÊ DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI HIẾU KỲ

"Lacàph là một thương hiệu của sự khám phá và chúng tôi chính là những nhà thám hiểm. Vậy nên, cà phê của chúng tôi rất phù hợp với những người hiếu kỳ - hiếu kỳ với văn hóa cà phê Việt Nam nói riêng và văn hóa Việt nói chung", Scott Sehoon Bahng tiết lộ.

Lacàph – Cà phê tôn vinh nông dân Việt – Chuyến phiêu lưu vào thế giới đầy hương sắc của 2 chàng trai đến từ Hà Lan và Hàn Quốc - Ảnh 6.

Vậy nên, chúng ta có thể thấy, các sản phẩm cà phê của Lacàph khá đa dạng và phong phú, cũng như rất sáng tạo. Trong đó, có thể kể đến loại cà phê được lên men với hỗn hợp bia thủ công có tên Bia Fermented Coffee.

Với dòng sản phẩm đầu tiên thuộc Lacàph Lab Series I, Lacàph đã hợp tác với thương hiệu bia tươi đình đám tại TP.HCM tên Heart of Darkness Brewery, nhằm mang đến cho khách hàng của mình một loại cà phê được lên men với hỗn hợp Bia thủ công all-malt craft lager.

Cà phê dùng cho sản phẩm mới này được cung cấp từ trang trại của anh Ngọc. Sự kết hợp giữa loại cà phê ngon cùng bia tươi hảo hạng đã cho ra một dòng cà phê độc đáo mang hương vị hài hoà và khó phai của vải, mơ và đào.

Chu trình ủ có thể được miêu tả sơ bộ như sau: những quả cà phê đã tách vỏ được ngâm cùng bia tươi và chúng bắt đầu quá trình lên men tự nhiên trong 36 giờ. Hạt cà phê sau đó hình thành một lớp da đặc biệt, được anh Ngọc phơi đều dưới ánh nắng mặt trời liên tục 15 ngày nhằm đạt đến độ ẩm hoàn hảo và sẵn sàng chuyển đến xưởng rang Lacàph.

"Ngày xưa, bước lên men trong phương pháp chế biến ướt cà phê được thực hiện chỉ với mục đích loại bỏ hoàn toàn phần thịt cà phê còn sót lại. Hiện nay, việc lên men đang dần trở thành một trong những quy trình then chốt làm nổi bật các đặc tính của cà phê, đồng thời dậy lên những hương vị mới mẻ của cà phê hạt xanh.

Tại Lacàph, chúng tôi tin rằng việc nghiên cứu và phát triển kĩ thuật lên men có thể đưa cà phê Việt Nam lên tầm thế giới", Giám đốc Sản phẩm và Dịch vụ tại Lacàph cho biết.

Theo Quỳnh Như (DNTT)

Bình luận