: TVO 24H: 2024-03-15 11:07:26

Lượt xem: 2114

Chủ tịch Hạ viện Mỹ đổi ý về viện trợ cho Ukraine

Lãnh đạo Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ cho biết sẽ đưa dự luật viện trợ 61 tỷ USD cho Ukraine ra bỏ phiếu, sau nhiều tuần kiên quyết phản đối.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson, thành viên đảng Cộng hòa, hôm 14/3 cho biết dự luật viện trợ bổ sung cho Ukraine và Israel sẽ được đưa ra bỏ phiếu riêng rẽ trong vài tuần tới. Đây được coi là dấu hiệu cho thấy phe Cộng hòa ở Hạ viện dường như đã nhượng bộ trong vấn đề viện trợ cho Ukraine.

Trong nhiều tháng qua, phe Cộng hòa kiểm soát Hạ viện Mỹ từ chối thông qua dự luật có điều khoản viện trợ 61 tỷ USD cho Ukraine, yêu cầu khoản hỗ trợ cho Kiev phải được gắn với vấn đề an ninh biên giới hay cải cách nhập cư của Mỹ.

"Nguồn viện trợ bổ sung cho Ukraine phụ thuộc vào cách chính quyền cải cách luật an ninh biên giới", ông Johnson từng yêu cầu quyết liệt trong thư gửi Nhà Trắng tháng 12/2023.

Hạ viện Mỹ cương quyết không chịu nhượng bộ khi Thượng viện đề xuất một dự luật mới, trong đó đưa ra điều khoản kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn, như yêu cầu Tổng thống Joe Biden đóng cửa hệ thống tiếp nhận người tị nạn của Mỹ nếu các cuộc vượt biên bất hợp pháp vượt ngưỡng nhất định. Sự cương quyết của phe Cộng hòa khiến khoản viện trợ cho Ukraine tiếp tục bế tắc, trong bối cảnh nước này hứng chịu nhiều khó khăn trước đà tiến của Nga trên chiến trường.

Tuyên bố hôm 14/3 của Chủ tịch Hạ viện Johnson dường như đảo ngược quan điểm cứng rắn trước đây. Điều này có thể khiến Johnson trở thành mục tiêu bị phe cực hữu trong đảng Cộng hòa, những người chịu nhiều ảnh hưởng từ cựu tổng thống Donald Trump, công kích trong những tháng tới.

my

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson tại cuộc họp báo ở quốc hội ngày 30/1. Ảnh: AFP

Hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene hồi tháng 1 cảnh báo sẽ kích hoạt cuộc bỏ phiếu phế truất ông Johnson khỏi chức Chủ tịch Hạ viện nếu ông trình dự luật viện trợ bổ sung cho Ukraine lên Hạ viện.

"Chúng ta không thể viện trợ cho Ukraine", bà Greene nói, nhấn mạnh đó là "điều tuyệt đối không nên làm". Đây cũng là quan điểm được cựu tổng thống Trump đưa ra, người tuyên bố Mỹ "không nên viện trợ thêm một xu" cho Ukraine.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ có thể rơi vào tình thế khó khăn nếu bà Greene hoặc bất cứ nghị sĩ Cộng hòa nào đệ trình kiến nghị bãi nhiệm ông. Thế đa số của phe Cộng hòa tại Hạ viện hiện chỉ còn 5 phiếu, do hạ nghị sĩ Ken Buck đột ngột từ chức.

Tổng thống Biden hồi tháng 10/2023 kêu gọi quốc hội Mỹ phê duyệt ngân sách 106 tỷ USD cho an ninh quốc gia, trong đó ràng buộc khoản viện trợ trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine với 14 tỷ USD hỗ trợ cho Israel trong chiến dịch trả đũa Hamas. Tuy nhiên, những đề xuất từ Nhà Trắng đều không thể thúc đẩy quốc hội Mỹ phê duyệt viện trợ cho Ukraine và Israel, khiến tình trạng này kéo dài tới năm nay.

Mỹ đến nay vẫn là bên viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, với hàng chục tỷ USD viện trợ an ninh và liên tục cam kết ủng hộ Kiev đến chừng nào còn cần thiết. Tuy nhiên, sự phản đối của các nghị sĩ Cộng hòa theo đường lối cứng rắn đã làm dấy lên hoài nghi về khả năng Mỹ duy trì nguồn hỗ trợ này cho Ukraine.

Nguồn Vnexpress

Bình luận