: TVO 24H: 2019-11-07 15:41:02

Lượt xem: 2790

Chủ 'núi' nhôm 4,3 tỷ USD giả hàng Việt để xuất khẩu là người Trung Quốc

Nhôm xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ chịu thuế khoảng 15%, trong khi nhôm Trung Quốc muốn sang thị trường này phải chịu thuế lên đến 374%. Khoản chênh lệch thuế suất "một trời một vực" này khiến công ty Toàn Cầu nhập nhôm nguyên liệu từ các nước khác, về kho ngoại quan Việt Nam để giả hàng Việt xuất đi nước ngoài.

Trả lời vấn đề đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) chất vấn về lô nhôm trị giá tới 4,3 tỷ USD giả xuất xứ Việt Nam trong kho ngoại quan của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết qua thông tin phản ánh, Bộ đã nắm được sự việc từ cuối năm 2016.

Đầu năm 2017, bộ Công Thương đã phối hợp với bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, bộ Công an tổ chức đoàn kiểm tra tại Vũng Tàu.

Bộ trưởng bộ Công Thương thông tin, trên thực tế, doanh nghiệp này người Trung Quốc đầu tư tại Vũng Tàu và nhập rất nhiều nhôm đưa về khu kho ngoại quan và khu chế xuất để phục vụ xuất khẩu.

Tiêu dùng & Dư luận - Chủ 'núi' nhôm 4,3 tỷ USD giả hàng Việt để xuất khẩu là người Trung Quốc

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh Ảnh: Ngọc Thắng.

Thời điểm đầu năm 2017, hoạt động xuất khẩu nhôm của doanh nghiệp này sang Mỹ và các thị trường khác chưa có gì đột biến. Khi đó, các sản phẩm của doanh nghiệp này xuất đi không phải xin cấp CO (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá). Bộ trưởng Công Thương cũng thừa nhận, đoàn kiểm tra chưa phát hiện ra những sai phạm trong công tác cấp CO của doanh nghiệp này.

Sau khi doanh nghiệp có những biến động bất thường, Tổng cục Hải quan đã tăng cường giám sát hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Do đó, xuất khẩu nhôm nguồn gốc Trung Quốc không đáng kể và không gây ra những vướng mắc đến vấn đề trong quan hệ thương mại quốc tế với Mỹ.

Về lo lắng của đại biểu liệu doanh nghiệp có lợi dụng chuyển lô nhôm thành hàng hóa tiêu thụ trong nước hay không, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết cơ quan chức năng sẽ giám sát chặt những hoạt động tại khu kho ngoại quan, đồng thời thực hiện áp thuế nhập khẩu, tương tự như đối với nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất tiêu dùng trong nước.

Tiêu dùng & Dư luận - Chủ 'núi' nhôm 4,3 tỷ USD giả hàng Việt để xuất khẩu là người Trung Quốc (Hình 2).

"Núi" nhôm của công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu tại kho ngoại quan ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: The Wall Street Journal 

Trước đó, chiều 6/11, vấn đề gian lận xuất xứ khi các doanh nghiệp lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi các nước khác, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận có những dấu hiệu cho thấy chậm phát hiện, gây ra thiệt hại cho chúng ta.

Tư lệnh ngành Công Thương cho biết, trên thực tế Việt Nam đang hội nhập rất sâu rộng với thế giới và thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại do chúng ta đã có các ưu đãi về thuế quan trong việc xuất khẩu hàng hóa của chúng ta sang các nước đối tác, tạo lợi thế cho chúng ta trong thâm nhập thị trường so với các quốc gia khác. Hàng loạt quốc gia đã ký kết, từ các nước trong AFTA của ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand cũng như các giao dịch thương mại tự do CPTPP đã có hiệu lực và Hiệp định EVFTA sắp tới có hiệu lực sẽ mang lại những cơ hội cho chúng ta trong tăng trưởng về xuất khẩu cũng như năng lực cạnh tranh cho sản phẩm sang các nước này.

"Tuy nhiên, với những ưu đãi thuế quan và những điều kiện khác trong tiếp cận thị trường cũng đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy các sản phẩm đội lốt xuất xứ hàng hóa của Việt Nam để tranh thủ các ưu đãi về thuế quan trong xuất khẩu sang các thị trường đối tác", Bộ trưởng Công Thương nhìn nhận.

Mới đây nhất là thông tin liên quan đến một doanh nghiệp đầu tư về nhôm tại Bà Rịa - Vũng Tàu lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu hay hàng loạt các lĩnh vực khác như thiết bị điện tử, máy tính, dệt may, da giày và đặc biệt gỗ dán và các sản phẩm gỗ... đều có những dấu hiệu để tranh thủ lợi dụng gian lận thương mại cũng như truyền tải bất hợp pháp để lẩn tránh các thuế Phòng vệ và thuế Phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, EU và nhiều nước khác cũng đã được cơ quan chức năng phát hiện.

Bộ trưởng bộ Công Thương cho biết đã có sự chủ động phối hợp và báo cáo với Chính phủ, đồng thời tiếp tục có chỉ đạo cho các bộ, ngành để cùng phối hợp, quản lý và xử lý những vấn đề này.

"Đặc biệt, bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan là cơ quan chịu trách nhiệm trong quản lý hoạt động về xuất khẩu hàng hóa và sử dụng các xuất xứ từ Việt Nam cũng như xuất xứ của nước nước khác và nhập khẩu vào Việt Nam đã có sự phối hợp chặt chẽ để thực hiện đề án này", ông Trần Tuấn Anh khẳng định.

 

Ngày 28/10, Tổng cục trưởng Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết lực lượng hải quan đã phát hiện và bắt giữ lô hàng nhôm 1,8 triệu tấn trị giá khoảng 4,3 tỷ USD có dấu hiệu giả mạo xuất xứ tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Doanh nghiệp sở hữu lô nhôm nằm chờ xuất khẩu sang Mỹ và một số thị trường khác là Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu, trụ sở chính tại phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Doanh nghiệp bị phát hiện có công nghệ, dây chuyền nhưng lại nhập khẩu mặt hàng nhôm thỏi, nhôm thanh, nhôm bán thành phẩm với trị giá lên tới hàng tỷ USD.

Nhôm nguyên liệu công ty nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Mexico, Australia, Nga. Nhôm thành phẩm công ty xuất đi nhiều nước như Canada, Mỹ, Ai Cập hay Ấn Độ.

Lý do được đại diện Tổng cục Hải quan cho biết là nhôm Việt Nam xuất đi thị trường Mỹ chỉ chịu thuế khoảng 15%, trong khi nhôm Trung Quốc muốn sang thị trường này phải chịu thuế lên đến 374%.

Hoa Liên - Công Luân(nguoiduatin)

Bình luận