: TVO 24H: 2022-11-29 14:38:53

Lượt xem: 2182

Cách tránh sập bẫy công ty tài chính tín dụng dỏm

Để người vay lẫn doanh nghiệp tài chính tiêu dùng chính thống thoát khỏi “mê hồn trận” công ty lừa đảo thì cần nhiều giải pháp đồng bộ.

Công ty tài chính cho vay tiêu dùng thì ít nhưng những cái na ná, gần giống, tương tự như công ty tài chính lên tới cả ngàn và phần lớn trong số đó đều là những app cho vay tín dụng đen. Vì vậy, một trong giải pháp quan trọng là làm sao để người vay tiền phân biệt được công ty tài chính chính thống và giả mạo để không sập bẫy.

Đừng xem mặt bắt hình dong

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nhìn nhận việc mạo danh các công ty tài chính được cấp phép đã gây sự nhầm lần lớn cho công chúng. Trong khi thực tế có nhiều điểm khác nhau giữa công ty tài chính chính thống và các công ty khác cũng hoạt động cho vay.

Ví dụ, công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép đến nay chỉ mới có 16 đơn vị và được công bố cụ thể tên, địa chỉ trên website NHNN. Về giấy phép hoạt động, công ty tài chính chính thống được NHNN cấp phép hoạt động, còn các công ty khác không được NHNN cấp phép.

Cách tránh sập bẫy công ty tài chính tín dụng dỏm

Tín dụng đen quảng cáo khắp nơi khiến nhiều người sập bẫy. Ảnh: HOÀNG GIANG

Một dấu hiệu đơn giản nhất để phân biệt đâu là công ty tài chính được cấp phép và đâu là công ty tài chính giả mạo, đó là dựa vào tên gọi doanh nghiệp. Theo quy định của NHNN, ngoài 16 công ty tài chính đã công bố trên website của NHNN thì bất cứ công ty nào hoặc app cho vay nào sử dụng cụm từ “công ty tài chính” trong hợp đồng giao dịch, hoặc quảng cáo công ty đều được xem là hành vi vi phạm pháp luật.

Về các loại phí, đối với các công ty tài chính giả mạo họ sử dụng luật rừng - tức là tự đặt tên các loại phí và tự đưa ra các mức phí mà không có ngưỡng nào. Chính vì thế mới có những khoản vay lãi suất tín dụng đen quảng cáo rất hấp dẫn nhưng các loại phí cộng thêm vào mới khiến khoản tiền mà người vay phải gánh cao ngất ngưởng.

Đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cũng cho biết các công ty tài chính chính thống hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng và phải tuân thủ các hành lang pháp lý nghiêm ngặt bao gồm quy định về đối tượng cho vay, hạn mức dư nợ, sử dụng vốn vay đúng mục đích… Trong khi đó, các công ty dỏm không có một hạn chế nào về hạn mức, lãi suất, đối tượng, mục đích cho vay…

Đã xử lý nhiều trang web giả mạo

Thời gian vừa qua, để ngăn chặn nạn tín dụng đen, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước tăng cường rà soát, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để ngăn chặn hoạt động vi phạm; yêu cầu mạng xã hội xuyên biên giới gỡ bỏ các đường link lừa đảo liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng, tín dụng đen.

Riêng trong năm tháng đầu năm nay, Bộ TT&TT đã xử lý hơn 15 website giả mạo các công ty tài chính chính thống để thực hiện hành vi lừa đảo trực tuyến.

Kê đơn chữa bệnh

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính ngân hàng, nêu quan điểm: Các công ty tín dụng tiêu dùng hiện đã được các cơ quan quản lý khá chặt chẽ. Còn những đơn vị không đủ điều kiện thì NHNN không bao giờ cấp phép. Một khi họ cố tình giả mạo công ty tài chính thì đã là vi phạm pháp luật. Hiện nay, các công ty tài chính chính thống đã được công bố công khai, vì vậy người tiêu dùng trước khi vay cần chủ động tìm hiểu xem công ty mình muốn vay tên gì, được cấp phép ra sao, thủ tục vay như thế nào, có hợp pháp hay không…

“Đối với việc vay trực tuyến thông qua app thì phải xem xét kỹ lãi suất thực ra sao, thu các loại phí gì, điều kiện trả nợ như thế nào…, chứ không thể cứ nhắm mắt đăng ký vay tiền để rồi gánh nhiều hệ lụy cho bản thân” - ông Thịnh lưu ý.

Về phía các công ty tài chính chính thống cũng cho biết đã đưa ra nhiều giải pháp để tự bảo vệ mình và người vay tiền. Đơn cử Công ty Tài chính FE Credit cam kết không có các hành vi bôi nhọ danh dự khách hàng trên mạng xã hội để thu hồi nợ. Ngoài ra, doanh nghiệp chủ động nâng cấp các app cho vay theo hướng bảo mật và an toàn hơn, sử dụng số điện thoại định danh FE để liên hệ với khách hàng, xây hệ thống chăm sóc khách hàng chuẩn.

“Đồng thời, chúng tôi ban hành quy chế gắt gao trong việc quản lý và xử lý nhân viên vi phạm. Thậm chí với các nhân viên sai phạm, cấp quản lý trực tiếp cũng sẽ bị liên đới trách nhiệm và công bố kỷ luật nhân viên rộng rãi để làm gương” - đại diện FE Credit cho hay.

Đại diện một số công ty tài chính khác cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền phối hợp ngăn chặn ngay những app tín dụng đen trá hình, xử lý nghiêm người vi phạm để tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, tránh gây ra những hệ lụy nặng nề cho người dân; có văn bản quy định riêng chi tiết hơn, sát thực hơn với đặc thù của tài chính tiêu dùng để tránh gây ra sự nhầm lẫn. Đặc biệt cần có sự phối hợp liên thông chặt chẽ giữa các bộ, ngành để làm rõ khái niệm tài chính chính thống đến với người dân, giúp người dân nắm bắt và nhận thức rõ ràng tránh bị sập bẫy tín dụng đen.

Tạo điều kiện để người dân tiếp cận kênh vay vốn chính thống

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết: Tình trạng các công ty cho vay tiêu dùng nhưng không được NHNN cấp phép, thậm chí vi phạm quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, cố tình gây sự nhầm lẫn khiến người dân hiểu nhầm, ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng chính thức. Vì vậy cần phân biệt, xác định rõ công ty tài chính do NHNN cấp phép, theo Luật Tổ chức tín dụng và công ty tài chính tiêu dùng hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, trong đó có dịch vụ cầm đồ.

“Hiệp hội sẽ có văn bản gửi đến NHNN các tỉnh, TP, Bộ KH&ĐT rà soát, xem xét khi cấp phép thành lập công ty tài chính không được trùng tên với công ty tài chính được NHNN cấp phép. Đồng thời hiệp hội sẽ kiến nghị về cơ chế, chính sách như mở rộng đối tượng cho vay để tạo điều kiện cho hoạt động công ty tài chính tiêu dùng chính thức, góp phần hạn chế tín dụng đen, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nguồn vốn chính thống” - ông Hùng nói.

Nguồn Pháp luật

Bình luận